Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện Công ty CP KITA Invest đang có 08 mã trái phiếu (mã từ KITA.BOND2020.01 đến KITA.BOND2020.08) với tổng cộng 2,5 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy KITA Invest đang có dư nợ trái phiếu ở mức 2.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 2.500 tỷ đồng trái phiếu của KITA Invest sẽ đồng loạt đáo hạn trong thời gian ngắn tới đây.
Cụ thể, 6/8 lô trái phiếu sẽ đáo hạn tháng 5/2023 với tổng giá trị 2100 tỷ đồng và 2/8 lô trái phiếu sẽ đáo hạn trong tháng 7/2023 với tổng giá trị 400 tỷ đồng.
Dù có đến 8 mã trái phiếu đang lưu hành tuy nhiên theo dữ liệu ghi nhận từ HNX, việc công bố các thông tin theo quy định của KITA Invest liên quan đến hoạt động phát hành 08 mã trái phiếu nói trên đều không được thực hiện.
Việc không công bố các thông tin đến HNX nói trên của KITA Invest được cho là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 153/2020/NĐ-CP về việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn.
Cụ thể là từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng trong thời hạn 60 ngày. Đồng thời, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm trong thời hạn 90 ngày.
Ngoài KITA Invest, theo HNX, 1 doanh nghiệp khác có liên quan đến hệ sinh thái KITA Group là Công ty Đầu tư Thương mại Bình Tân cũng đang có dự nợ trái phiếu lên đến 1.300 tỷ đồng.
KITA Invest đang thế chấp hợp đồng đặt cọc mua đất Ciputra
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp phải nhiều khó khăn hiện nay, áp lực trả nợ 2.500 tỷ đồng trái phiếu đối với KITA Invest được cho là khá lớn khi doanh nghiệp này cũng đang phải thế chấp từ hợp đồng hợp tác kinh doanh đến hợp đồng đặt cọc mua đất tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).
Cụ thể, vào ngày 22/3/2022, Công ty CP Kita Invest đã có hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho một ngân hàng, trong đó nêu rõ tài sản bảo đảm là tất cả các quyền tài sản và lợi ích hợp pháp mà Bên bảo đảm có được phát sinh từ Hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền tài sản của dự án Khu Đô Thị Nam Thăng Long tại địa điểm phường Phú Thượng, phường Nhật Tân và phường Xuân La (thuộc quận Tây Hồ), và phường Đông Ngạc, phường Xuân Đỉnh (thuộc quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội.
Cũng theo hợp đồng thế chấp trên, bên nhận bảo đảm (tức ngân hàng) được quyền “ký kết/ quyết định nội dung của các hợp đồng, thỏa thuận với Bên Chuyển Nhượng, Chủ Đầu Tư để nhận chuyển quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Thỏa Thuận Chuyển Nhượng/ Hợp Đồng Đặt Cọc”.
Ngoài ra, bên nhận bảo đảm cũng có quyền “nhận chuyển giao và được thay thế Bên Thế Chấp trở thành một bên của Thỏa Thuận Chuyển Nhượng/ Hợp Đồng Đặt Cọc, có đầy đủ quyền lợi của bên nhận chuyển nhượng/ bên đặt cọc theo Thỏa Thuận Chuyển Nhượng/ Hợp Đồng Đặt Cọc, bao gồm cả quyền đã thanh toán và quyền nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Bên Chuyển Nhượng theo thỏa thuận tại Thỏa Thuận Chuyển Nhượng/ Hợp Đồng Đặt Cọc”.
Với tham vọng tiến ra thị trường bất động sản Hà Nội bằng việc tiếp quản nhiều lô đất tại Khu đô thị Ciputra. Tuy nhiên, đến nay, thực tế cho thấy, phần lớn các thửa đất có bóng dáng KITA Group tại đây đều đang trong cảnh bỏ hoang.
Về phía công ty mẹ của KITA Invest là Công ty CP Tập đoàn KITA Group, vào tháng 9/2022 cũng đã thế chấp cho ngân hàng tài sản gồm tất cả các quyền tài sản, toàn bộ quyền lợi và lợi ích hợp pháp mà Bên bảo đảm có được phát sinh từ và/hoặc liên quan đến Bất Động Sản là toàn bộ các căn hộ từ tầng 14 đến tầng 27 thuộc Dự án Fico Tower tại địa chỉ 927 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.