Trên trên mạng xã hội Truth Social, ông Donald Trump chia sẻ về mức thuế mà Mỹ dự kiến áp cho Việt Nam. Theo đó, thuế đối ứng 20% cho hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và 40% cho các hàng hóa quá cảnh sang Việt Nam.
Tại chương trình Cafe Cùng Chứng của Chứng khoán SSI, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research quan điểm rằng, đây là thông tin khá tích cực của Việt Nam.
Thứ nhất, trong số các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam là quốc gia thứ 3 kết thúc đàm phán liên quan thỏa thuận khung giữa 2 nước. Điều này thể hiện Việt Nam là đối tác lớn trên thế giới về lĩnh vực thương mại.
Thứ hai, nói về con số, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng 20% là cao hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, thuế quan 20% áp dụng với Việt Nam nằm ở giữa mức tối thiểu là 10% và 30% đối với Trung Quốc, là mức thuế chấp nhận được. Thêm nữa, chưa có thông tin gì cụ thể để chắc chắn rằng đây là con số cuối cùng bởi quá trình đàm phán vẫn còn tiếp diễn thời gian tới, không phải tất cả các mặt hàng Việt Nam đều ở mức 20%.
Tiếp theo, ông Hưng chỉ ra một yếu tố quan trọng hơn mức thuế có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên quan tới quy tắc xuất xứ.
"Buổi điện đàm cũng đã nhắc tới vấn đề quy tắc xuất xứ phải thuận lợi đối với cả 2 quốc gia trong việc khiển khai hiệp định. Nếu thuế là 20% và đi kèm quy tắc xuất xứ tương đối “dễ thở” so với Việt Nam để có thể áp dụng và thực hiện được, đây sẽ là thông tin khá tích cực. Không nhất thiết cần phải có mức thuế quá thấp và đi kèm quy tắc xuất xứ cao", Kinh tế trưởng SSI nêu rõ.
Mặt khác, cần so sánh mức thuế của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực. Nếu chênh lệch chỉ ở mức vài phần trăm, đây khó có thể là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam để chuyển dịch nhà máy sang quốc gia khác.
Thêm nữa, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư nếu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng, ví dụ như các chính sách tiếp cận đất đai có một mức giá thuê đất vừa phải, hay có các chính sách có thể hỗ trợ tiền mặt trực tiếp,...
Do đó, mức thuế 20% không phải là yếu tố quá tiêu cực đối với Việt Nam. Nhìn ở góc độ rộng hơn, đây còn là tín hiệu tích cực khi Việt Nam đã ký kết hiệp định từ sớm, giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài trước thời hạn 9/7. Hơn nữa, mức thuế này cũng không cao so với mặt bằng chung của các quốc gia đã áp dụng hiệp định trước đó.
Tóm lại, đây là một câu chuyện dài và NĐT cần kiên nhẫn. Sau Việt Nam, còn nhiều quốc gia khác có những thỏa thuận với Hoa Kỳ, nhà đầu tư cần quan tâm xem mức thuế có quá chênh lệch với Việt Nam hay không. Ông Hưng dự báo sẽ không có mức thuế chênh lệch quá nhiều nếu xét trong những nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đạt 2 chữ số với kịch bản thuế 20%
Với kịch bản mức thuế 20%, đội ngũ phân tích SSI Research dự phóng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các DN niêm yết trong 2025 đạt 2 chữ số, khoảng 13% ở thời điểm này. Điều này tương đương VN-Index sẽ đạt hơn 1.400 điểm.
Một điểm nữa là nếu tất cả các mặt hàng chung một mức thuế như nhau, ông Hưng cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng tích cực chung cho tất cả các ngành và các doanh nghiệp niêm yết.
Rủi ro về thuế quan bắt đầu nhạt dần, các hiệp định cũng dần đi đến kết thúc. Động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 và 2026 không phải đến từ bên ngoài, mà tới từ bên trong như đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng hay đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
"Câu chuyện thuế quan vẫn quan trọng, nhưng vào thời điểm hiện tại, yếu tố bất định này đang dần đi đến hồi kết, các doanh nghiệp đã có thể chủ động tính toán chiến lược cho giai đoạn sắp tới", ông Hưng nhấn mạnh.