Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (tăng gần 4000% so với mức 0,24 tỷ USD cùng kỳ năm trước).
Nhận định trên truyền thông về con số gần 10 tỷ USD xuất siêu nói trên chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên liệu góp phần vào mức xuất siêu này. Cụ thể, Việt Nam có 28 mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng âm. Trong đó, mặt hàng giảm lớn nhất là điện thoại và linh kiện giảm 64%; tiếp đến là cao su giảm 43%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 36%... Đây là những mặt hàng chiếm kim ngạch nhập khẩu khá lớn. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy xuất khẩu ròng tăng trưởng khá tốt so với bối cảnh suy thoái chung của thế giới. Trong khi nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta đang bị giảm sút, thiếu đơn hàng mà xuất siêu của VN tăng trưởng tốt như vậy là tín hiệu khả quan.
Một số mặt hàng xuất siêu lớn: Điện thoại và linh kiện 18,01 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 4,19 tỷ USD; thủy sản 2,27 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,41 tỷ USD; rau quả 1,11 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 785 triệu USD; dây điện và cáp điện 275 triệu USD…
Hoạt động thương mại và dịch vụ cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 13,6% và luân chuyển hành khách tăng 21,8%; vận chuyển hàng hóa tăng 20,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 15,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 21,2% và luân chuyển tăng 41,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 18% và luân chuyển tăng 17,9%.
Trước đó, trong báo cáo 4 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%), trong đó xuất khẩu giảm 11,8% (cùng kỳ tăng 17,1%); nhập khẩu giảm 15,4% (cùng kỳ tăng 16,1%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD.
Những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý 1/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.
Trong 4 tháng, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).
Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng đầu năm 2023, ước đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: gạo tăng 54,5%, rau quả tăng 19,4%; sắn tăng 26,3%. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong nhóm này như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 20%; hạt tiêu giảm 10,2%, chè các loại giảm 5,8%...
Tiếp nối những thành tựu trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 4/2023 tăng 14,4% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 98% về lượng và tăng 108% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.