Trên sàn chứng khoán Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp “rủng rỉnh” tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) với số dư thậm chí lên đến cả tỷ USD. CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) là một trong số đó khi “ôm” lượng tiền mặt gần 24.700 tỷ đồng (~1 tỷ USD) tại ngày cuối năm 2024. Đây là con số kỷ lục đối với doanh nghiệp bán lẻ này.
Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau (đặc thù ngành nghề kinh doanh, loại hình doanh nghiệp,…), không ít “đại gia” trên sàn chỉ có thể gửi những khoản tiền khổng lồ này vào ngân hàng để hưởng lãi định kỳ thay vì đem đi đầu tư mạo hiểm hơn. Thế Giới Di Động lại khác, doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài tỏ ra rất tích cực trong hoạt động “kinh doanh tiền”.
![](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/06/screenshot-2025-02-06-at-13.18.11.png)
Ngoài 1 tỷ USD giữ ở dạng tiền mặt, Thế Giới Di Động còn đem khoảng 16.000 tỷ đồng đi cho vay các đối tác và đầu tư trái phiếu. Như vậy, tổng lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi, đầu tư trái phiếu và cho vay đối tác của doanh nghiệp bán lẻ này lên đến 40.000 tỷ vào cuối năm 2024.
Bên cạnh việc gửi tiền ngân hàng hưởng lãi, hoạt động cho vay và đầu tư trái phiếu đã được Thế Giới Di Động thực hiện thăm dò từ cuối năm 2022. Hoạt động này diễn ra cầm chừng trong phần lớn thời gian của năm 2023. Phải đến đầu năm 2024, doanh nghiệp bán lẻ này mới thực sự dồn lực nhiều hơn cho hoạt động cho vay và đầu tư trái phiếu.
Lãi hơn nghìn tỷ từ đầu tư tài chính
Hiệu quả từ hoạt động đầu tư tài chính lập tức được cải thiện đáng kể. Năm 2024, Thế Giới Di Động ghi nhận lãi từ tiền gửi, cho vay và trái phiếu cao kỷ lục gần 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí liên quan đến lãi vay và thu xếp khoản vay lại giảm mạnh do mặt bằng lãi suất thấp hơn và sự chuyển dịch cơ cấu các dư nợ vay từ dài hạn sang ngắn hạn. Tại ngày cuối năm 2024, doanh nghiệp này không còn nợ vay dài hạn, giảm 6.000 tỷ sau một năm.
Kết quả, hoạt động “kinh doanh tiền” mang về cho doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024, tăng mạnh so với năm trước và là mức cao kỷ lục. Con số này thực tế còn chưa phản ánh hết hiệu quả đầu tư tài chính của Thế Giới Di Động do một phần chi phí lãi vay là để phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
![](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/06/screenshot-2025-02-06-at-14.41.10.png)
Bóng dáng hoạt động “kinh doanh tiền” càng rõ ràng khi Thế Giới Di Động hợp tác với Ngân hàng VPBank bắt đầu triển khai mô hình “cây ATM” tại hơn 3.000 cửa hàng TGDĐ/ĐMX từ cuối năm ngoái. Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em – thành viên HĐQT, chỉ sau 1 tháng triển khai, công ty đã đạt giá trị giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng với gần 150.000 giao dịch.
Bên cạnh các hoạt động đầu tư liên quan trực tiếp đến tiền, với vị thế là doanh nghiệp bán lẻ quy mô hàng đầu thị trường, Thế Giới Di Động còn có thêm khoảng 200-300 tỷ đồng “chiết khấu thanh toán” được hạch toán vào khoản mục doanh thu tài chính mỗi năm. Nguồn thu từ hoạt động tài chính góp phần cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ này trong bối cảnh sức mua hồi phục chậm và cạnh tranh gay gắt.
Lợi nhuận hồi phục, kế hoạch kinh doanh 2025 tham vọng
Quý 4/2024, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.574 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp bán lẻ này lãi sau thuế 852 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với mức nền thấp cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong quý 4/2024 đạt hơn 847 tỷ đồng, cũng gấp hơn 9 lần so với năm 2023.
![](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/06/screenshot-2025-02-06-at-14.46.44.png)
Lũy kế cả năm 2024, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần đạt 134.341 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, trung bình mỗi ngày thu về khoảng 368 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.733 tỷ đồng, cao gấp hơn 22 lần so với nền thấp cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã vượt 7% kế hoạch doanh thu và vượt tới 56% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm đề ra.
Thế Giới Di Động đánh giá, năm 2025, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tích cực hơn 2024. Tuy nhiên, các rủi ro vĩ mô và biến động trên thế giới có thể ảnh hưởng đáng kể đến môi trường kinh doanh trong nước, sức mua và niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, ngành bán lẻ đang hồi phục chậm và chưa đạt mức tăng trưởng trước dịch.
Với nền tảng tài chính vững chắc và hệ thống vận hành hiệu quả nhờ tái cấu trúc “Giảm lượng – Tăng chất”, Thế Giới Di Động tự tin sẽ thích ứng linh hoạt với các biến động thị trường. Doanh nghiệp bán lẻ này đạt mục tiêu doanh thu thuần 150.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 30% so với thực hiện 2024.