KienlongBank cho biết, trước những thực trạng và diễn biến của thị trường, ngân hàng đã lựa chọn chiến lược kinh doanh bền vững cũng như đặt ra các mục tiêu phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh đến mô hình kinh doanh truyền thống.
Từ đầu năm đến nay, KienlongBank đã đẩy mạnh triển khai hàng loạt các chính sách, chương trình nhằm gia tăng sự hiện diện của Ngân hàng trên các kênh Số. Chiến lược này giúp ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 402 tỷ đồng, hoàn thành 58% chỉ tiêu kế hoạch toàn năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 321,4 tỷ đồng, tăng 15% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tính riêng trong quý 2, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của KienlongBank đạt 199,8 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này đến từ việc Ngân hàng triển khai các chính sách đồng hành, hỗ trợ khách hàng vay vốn, sẵn sàng sẻ chia khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số để khách hàng và người dân dễ dàng tiếp cận, gia tăng tiện ích sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cũng như gia tăng chính sách đãi ngộ, thu nhập cho Cán bộ nhân viên.
Tổng tài sản của KienlongBank ghi nhận đến hết quý 2 đạt 86.408 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt 77.571 tỷ đồng. Cũng trong kỳ này, dư nợ tín dụng tại KienlongBank đạt mức 48.554 tỷ đồng, tăng 6,72% so với năm 2022, tập trung dư nợ cho vay đến các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp nông thôn, phát triển hạ tầng… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo đô thị.
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, KienlongBank đã hoàn thành 100,47% so với kế hoạch về tổng tài sản; tổng huy động vốn và dư nợ tín dụng lần lượt đạt 99,45% và 92,48%.
Bên cạnh đó, nhờ việc hoàn thành áp dụng tiêu chuẩn Basel II và chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh mục tiêu, tỷ lệ nợ xấu toàn hàng được duy trì ở mức 1,4%, dưới mức cho phép 3% đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định của NHNN.