Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng đất và tài chính tại PVGAS

Lê Sáng | 22:47 24/08/2022

Theo Kiểm toán nhà nước, bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty khí Việt Nam -CTCP (PVGAS) còn có nhiều tồn tại về quản lý, sử dụng đất và tài chính.

Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng đất và tài chính tại PVGAS
Trụ sở Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP hiện đặt tại tòa nhà PV GAS TOWER tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sứ dụng vốn nhà nước năm 2020 của 73 doanh nghiệp thuộc 16 Tập đoàn, Tổng công ty và công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nhưng các doanh nghiệp đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với Tổng Công ty Khí - CTCP (PVGAS), đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp khí, trong năm 2020 đạt lợi nhuận sau thuế ở mức 8.169,18 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 16,45%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN nhà nước cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản và sử dụng đất của các doanh nghiệp được kiểm toán, trong đó nổi lên là trường hợp của PVGAS, cụ thể.

Quản lý dòng vốn chưa hiệu quả

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 của KTNN, PVGAS được xác định nằm trong danh sách các đơn vị quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.

Cụ thể, KTNN xác định Công ty mẹ PVGAS chưa cân đối dòng tiền từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày đáo hạn khi xây dựng kế hoạch dòng tiền theo tháng, theo quý.

Theo đó, trong kỳ kiểm toán, các đơn vị gồm Công ty mẹ PVGAS, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam, Công ty CP CNG Việt Nam đã để số dư tiền gửi không kỳ hạn vượt định mức, chuyển tiếp cùng kỳ hạn nhiều hợp đồng tiền gửi từ 03 đến 09 tháng; Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.

Bên cạnh đó, PVGAS cũng được KTNN xác định đã quản lý nợ chưa chặt chẽ khi còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn. Cụ thể, Công ty mẹ PVGAS có số nợ phát sinh quá hạn là 568,78 tỷ đồng, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam có số nợ quá hạn là16,16 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại công ty con của PVGAS là Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam, KTNN xác định có 68,91 tỷ đồng nợ khó đòi trong kỳ kiểm toán năm 2021.

Quản lý tài sản chưa chặt chẽ

Trong kỳ kiểm toán nói trên, KTNN cũng xác định tại các công ty con của PVGAS đã để xảy ra tình trạng bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ.

Cụ thể, các đơn vị được KTNN “điểm tên” có Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam, Công ty CP CNG Việt Nam.

Bên cạnh đó, KTNN cũng xác định trong giai đoạn được kiểm toán PVGAS đã trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định số tiền 19,92 tỷ đồng.

Đối với công tác kiểm kê vật tư hàng hóa, KTNN xác định PVGAS chưa kiểm kê đầy đủ vật tư hàng hóa trong giai đoạn được kiểm toán.

Cụ thể, Chi nhánh TCT - Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ thuộc PVGAS được KTNN xác định chưa kiểm kê giá trị khí Sao Vàng - Đại Nguyệt tồn tại đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2.

Không chỉ chậm trễ kiểm kê tài sản, trong báo cáo tổng hợp kiểm toán năm 2021, KTNN cũng xác định PVGAS đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không đúng quy định thừa 43,64 tỷ đồng.

Để không hàng ngàn tỷ đồng tiền quỹ

Đáng chú ý, trong kỳ kiểm toán năm 2021, KTNN đã xác định việc PVGAS mặc dù có số dư Quỹ đầu tư phát triển rất lớn nhưng chưa xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng Quỹ.

Cụ thể, Công ty mẹ PVGAS có đến 18.597,25 tỷ đồng tiền quỹ, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam 178,26 tỷ đồng, Công ty CP CNG Việt Nam 131,55 tỷ đồng; Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam 83,82 tỷ đồng.

Trong khi công ty mẹ và một số công ty con dư nhiều tỷ đồng tiền quỹ thì báo cáo kiểm toán của KTNN cũng cho thấy nghịch lý PVGAS vẫn có một số đơn vị thua lỗ lớn . Cụ thể trong giai đoạn được kiểm toán, PVGAS đã có 02/06 công ty con lỗ lũy kế 602,37 tỷ đồng.

Không dừng lại ở việc có công ty con thua lỗ lớn, KTNN cũng xác định PVGAS có khoản đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Cụ thể, Công ty mẹ - PVGAS có 01/02 công ty liên kết lỗ năm 2020 là 47,41 tỷ đồng.

Quản lý, sử dụng đất chưa hiệu quả

Bên cạnh những tồn tại liên quan đến quản lý vốn, tài sản chưa hiệu quả, báo cáo tổng hợp kiểm toán năm 2021 của KTNN cũng xác định PVGAS nằm trong số các đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Cụ thể, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam có 1,30 ha; Công ty mẹ PVGAS là 0,68 ha chưa sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả.

Đáng chú ý, tại kỳ kiểm toán nói trên, KTNN cũng xác định công ty con của PVGAS là Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam đang sử dụng chưa đúng mục đích 3,41 ha đất.

Cũng liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai, KTNN xác định trong giai đoạn được kiểm toán PVGAS có đến 62,65 đất chưa đủ hồ sơ pháp lý và 8,34 ha đất chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Kiến nghị tập trung xử lý dứt điểm

Từ kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của PVGAS, KTNN kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện một số nội dung gồm.

Thứ nhất, KTNN yêu cầu PVN chỉ đạo người đại diện phần vốn tại PVGAS báo cáo và xây dựng phương án sử dụng, phân phối Quỹ đầu tư phát triển, vốn khác của chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo hài hoà lợi ích, hiệu quả sử dụng phần vốn của PVN tại PVGAS cũng như nghĩa vụ của PVN với ngân sách nhà nước.

Thứ hai, KTNN yêu cầu PVN triển khai công tác tái cơ cấu PVGAS theo Công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 1982/NQ-DKVN ngày 03/10/2017 của HĐTV PVN; trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ ba, KTNN yêu cầu PVN tiếp tục phối hợp với PVGAS báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về một số nội dung gồm: Việc thực hiện chính sách giá khí theo tổng lượng khí bao tiêu bán cho EVN, NMĐ BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 giai đoạn 2014 - 2018; cước phí vận chuyển khí đoạn Phú Mỹ - Hồ Chí Minh; giá bán khí bán cho Nhà máy đạm Phú Mỹ (PVFCCo) giai đoạn 2014-2018.

Thứ tư, KTNN yêu cầu PVN chỉ đạo PVGAS và PV Power đối chiếu, thống nhất xử lý các vướng mắc trong thanh toán, hạch toán công nợ tiền khí theo Nghị quyết số 1944/NQ-DKVN ngày 02/4/2018 của HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và quy định của pháp luật.

Bên cạnh một số yêu cầu với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, KTNN cũng đề nghị PVGAS trực tiếp chỉ đạo các đơn vị xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan tổ chức kiểm điểm theo quy định đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại, hạn chế đã nêu tại Báo cáo kiểm toán, Biên bản kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán.

Theo đó, một số nội dung được KTNN yêu cầu PVGAS tập trung xử lý gồm: Việc để phát sinh công nợ khó đòi tại PVGAS, PV Gas D, LPG Việt Nam; Việc bảo lãnh/bảo đảm vay vốn của PVGAS cho PV Pipe; Việc phát sinh các khoản đầu tư tài chính dài hạn thua lỗ, kém hiệu quả của PVGAS, LPG Việt Nam.

Bên cạnh đó một số nội dung khác gồm: Việc PVGAS không hoàn thành tăng tỷ lệ vốn góp từ 35,26% lên 51% tại Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam; Việc PV Gas D ký hợp đồng thuê lại đất khu công nghiệp chưa đúng quy định của Luật Đất đai 2013; Việc LPG Việt Nam sử dụng đất chưa đúng mục đích,… cũng được KTNN yêu cầu PVGAS tập trung xem xét, xử lý và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng chức năng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng đất và tài chính tại PVGAS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO