Hoá chất Đức Giang lãi lớn nhờ phốt-pho nhưng lợi nhuận có được duy trì trong năm tới?

Minh Trang SM | 09:48 24/07/2022

Hóa chất Đức Giang báo lãi kỷ lục trong quý II/2022, đạt gần 1.900 tỷ đồng, bằng 5,6 lần cùng kỳ nhờ những lợi thế so sánh đáng kể trong ngành và giá phốt-pho không ngừng tăng trong thời gian qua.

Hoá chất Đức Giang lãi lớn nhờ phốt-pho nhưng lợi nhuận có được duy trì trong năm tới?
Nhà máy Hóa chất Đức Giang (Ảnh DGC)

Phốt-pho được gọi là “nguyên tố của sự sống”, là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất của ngành xây dựng, phân bón, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, luyện kim, sản xuất chất bán dẫn… 

Tại Việt Nam, Hóa chất Đức Giang (mã DGC) là doanh nghiệp đứng đầu trong việc sản xuất Phốt-pho và các hợp chất/hỗn hợp của phốt-pho như Axit phosphoric, các loại phân bón gốc phốt-pho, phốt pho vàng (là phốt pho lẫn tạp chất, có màu vàng)... với nguyên liệu chính là quặng Apatit. 

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành này được quyết định bởi sản lượng cung cấp cùng giá thành của sản phẩm – vốn chịu sự chi phối bởi công nghệ, nguyên liệu đầu vào và chi phí năng lượng.

Lợi thế so sánh đáng kể

Công nghệ của Đức Giang cho phép có thể dùng quặng Apatit cả loại 1 (hàm lượng P2O5 - một loại hợp chất của phốt-pho - trên 30%) và loại 2 (hàm lượng P2O5 chỉ từ 18-25%), cả than cốc tinh khiết hoặc than antraxit (hàm lượng Các-bon thấp hơn) để sản xuất phốt-pho vàng. Đây là sản phẩm chiếm 40% tổng doanh thu của Đức Giang bên cạnh các axit phosphoric (bao gồm loại trích ly và loại nhiệt, chiếm 30%), phân bón gốc phốt-pho (chiếm 20%). Công nghệ này tạo ra lợi thế về giá thành, khi mà quặng loại 2 và than antraxit có giá thấp hơn hẳn quặng loại 1 và than cốc mà các công nghệ cũ buộc phải sử dụng.

Cơ cấu các sản phẩm của Đức Giang - tính theo doanh thu

Đây cũng là đơn vị đầu tiên và hiếm hoi tại Việt Nam có trình độ công nghệ sản xuất được một số sản phẩm thuộc thị trường ngách có giá trị cao như chất diệt khuẩn Chloramin B.

Vào tháng 3/2021, Đức Giang đưa khai trường (mine site - là nơi tiến hành khai thác khoáng sản) 25 tại Bát Xát - Lào Cai vào hoạt động với kế hoạch khai thác khoảng 3,7 triệu tấn quặng Apatit trong vòng 6 năm. Từ việc phải mua quặng của đơn vị bên ngoài, Đức Giang có nguồn quặng Apatit từ khai trường của mình để chủ động nguồn nguyên liệu quan trọng nhất. Đây tiếp tục là một lợi thế để hạ giá thành sản phẩm. Các chuyên gia ước tính việc sử dụng quặng từ khai trường 25 giúp Đức Giang giảm 35% chi phí nguyên liệu.

Tuy nhiên, chi phí lớn nhất trong quá trình sản xuất phốt-pho vàng là điện. Theo ước tính của Công ty chứng khoán KBSV, với tiêu hao điện năng trung bình từ 14.000 – 18.000 kWh cho 1 tấn phốt-pho vàng (tùy thuộc công suất lò) thì chi phí điện năng chiếm tới 70% giá thành sản xuất phốt-pho vàng. Giá điện công nghiệp Việt Nam ở mức tương đối thấp so với các nước sản xuất phốt-pho lớn khác, giúp phốt-pho Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh về giá.

Ngoài ra, một vấn đề ảnh hưởng đến giá sản xuất của một doanh nghiệp hóa chất là chi phí xử lý chất thải. Công ty đã chi hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống quan trắc khí, xử lý nước, nhiệt và chất thải rắn  - theo chia sẻ của CEO Đào Hữu Duy Anh trên Forbes Việt Nam số ra tháng 6/2022. 

Tuy nhiên chưa rõ quy trình xử lý hiện đại này đã được áp dụng bao lâu. Năm ngoái, công ty từng bị UBND tỉnh Lào Cai phạt 120 triệu đồng vì đổ thải không đúng vị trí trong thiết kế được phê duyệt của khai trường 25.

Đức Giang là doanh nghiệp Việt Nam hiếm hoi có giá sản xuất đủ sức cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc. Hiện nay, 70% doanh thu của Đức Giang đến từ hoạt động xuất khẩu cho các nước trong khu vực như Ấn Độ (thị trường lớn nhất của doanh nghiệp này, chiếm 25% doanh thu), Nhật Bản, Hàn Quốc, … Đối thủ tại các thị trường này của Đức Giang là Kazakhstan và Nga.

Có nền tảng và vị thế tốt, Đức Giang đã như “diều gặp gió” trong hơn 1 năm qua khi giá phốt-pho toàn cầu tăng phi mã. Điều này thể hiện rõ nét qua con số doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2022, Đức Giang cho biết doanh thu thuần đạt 4.002 tỷ đồng, tăng 96,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 22,4% lên 1.877 tỷ đồng giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 24,3% lên tới 53,1%. Lãi gộp Q2/2022 tăng 329% so với cùng kỳ, nối dài chuỗi tăng ấn tượng của các quý trước và phá vỡ kỷ lục lợi nhuận đạt được trong quý. 

Đó cũng là nguyên nhân lớn nhất giúp công ty đạt 1.894 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.783 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. Con số này ghi nhận mức lợi nhuận lớn nhất theo quý của Hóa chất Đức Giang. Và mặc dù trong kỳ đã phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, EPS quý 2/2022 của Đức Giang vẫn tăng mạnh từ 1.767 đồng lên 4.516 đồng.

Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 7.637 tỷ đồng, tăng 91,5% so với nửa đầu năm 2021. Trong đó, doanh thu phốt-pho vàng tăng 185%, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 62,8%, doanh thu Axit phosphoric tăng 22,7%.

Xu hướng tăng của biên lợi nhuận gộp (tỷ lệ giữa lợi nhuận gộp và doanh thu) đã diễn ra từ Q2/2021 khi Đức Giang hội tụ được nhiều yếu tố một lúc: Khai trường 25 đi vào hoạt động và giá phốt-pho thế giới tăng vọt, “thừa sức” để bù đắp mức tăng chi phí từ than cốc và lưu huỳnh dù giá các nguyên liệu này cũng tăng cao.

Theo số liệu từ Datastudio của Google, vào tháng 7/2020, giá phốt-pho vàng tại Trung Quốc chỉ 2.220 USD/tấn. Giá nguyên liệu này đã tăng lên mức 2.600 USD/tấn vào đầu năm 2021 và có một quá trình tăng dựng đứng trong năm này, lập đỉnh lịch sử ở 7.333 USD/tấn vào tháng 7/2021 (tức tăng 182% so với đầu năm) trước khi hạ nhiệt. Ngày 01/01/2022, giá phốt pho vàng ở mức 4.470 USD/tấn và tăng vọt lên 6.161 USD/tấn vào ngày 4/3/2022.

Theo số liệu mà doanh nghiệp cung cấp cho báo chí, năm 2020 giá phốt-pho trung bình là 56 triệu/tấn (2.400 USD/tấn); năm 2021, giá trung bình 70,9 triệu/tấn (3.000 USD/tấn) và quý 1/2022, giá trung bình 144,5 triệu/tấn (6.175 USD/tấn). 

Giá phốt-pho giảm - Lợi nhuận Đức Giang còn được duy trì?

Sang năm 2022, chiến sự Ukraina – Nga tiếp tục làm khốc liệt tình trạng khan hiếm hàng hóa toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội với mục tiêu Zero-Covid và Nga là nhà cung cấp lớn trên trường phốt-pho quốc tế. 

Tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia tại Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kể từ nửa cuối tháng 6, phốt-pho vàng tại thị trường nội địa Trung Quốc rơi vào xu hướng giảm mạnh trong báo giá đưa ra từ các nhà sản xuất. Một nguồn tin thông báo rằng các hoạt động khai thác đã hoạt động ở mức tối ưu sau khi ngừng hoạt động do Covid-19 ở phía đông bắc Trung Quốc, trong khi đó, nhu cầu ở thị trường nội địa vẫn ở mức thấp, gây áp lực lên giá.

Hiện tại, thị trường phốt-pho vàng của Trung Quốc tương đối phức tạp do xuất khẩu tháng 6 không cao so với dự đoán. Các nhà sản xuất và kinh doanh hạ nguồn đang quan sát chờ đợi sự phục hồi ở thị trường nội địa Trung Quốc, họ thận trọng hơn và nhu cầu mua hàng ít hơn.  

Biến động giá phốt-pho vàng trong 3 tháng trở lại đây - đơn vị: Nhân dân tệ/tấn (Nguồn: SunSirs)

Số liệu của Sunsirs cho thấy sự đi xuống của giá Phốt-pho vàng dù vẫn ở mức rất cao so với mặt bằng giá của tháng 7/2020 và cao hơn ước chừng 50% so với mức giá tháng 7/2021. Đức Giang có thể tiếp tục ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận gộp tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm trước trong quý 3/2022 nhờ nền thấp, nhưng đến quý 4 thì chưa chắc.

Tổ hợp Hóa Chất Đức Giang Nghi Sơn là một dự án có tiềm năng rất cao nhờ chế biến sâu hơn nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nguyên liệu thô là phốt-pho vàng. Đồng thời, sản phẩm dự án là các nguyên liệu sản xuất thiết yếu của các ngành công nghiệp khác mà hiện giờ Việt Nam đang phải nhập khẩu 100% - nhưng phải đến 2025 mới bắt đầu vận hành giai đoạn 1, theo báo cáo thường niên 2021 của Đức Giang. 

Tuy nhiên, việc giá phốt-pho - sản phẩm chính của Đức Giang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây đặt công ty này trước những rủi ro trong ngắn hạn và trung hạn. 

Box:

Lịch sử của phân bón gốc Phốt-pho bắt nguồn từ châu Mỹ và châu Phi, nhưng qua hàng trăm năm khai thác cạn kiệt các mỏ đá phốt-phát (chứa phốt-pho), ngày nay theo số liệu của Cục khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, tổng trữ lượng khai thác tối ưu của đá Phốt phát đã thăm dò được trên thế giới đạt 71 tỷ tấn, tập trung phần lớn ở Ma Rốc (73%), Trung Quốc (5%) và Ai Cập (4%). Việt Nam xếp thứ 24 với tổng trữ lượng khai thác tối ưu ở mức 30 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai. 

Trên thế giới hiện nay chỉ có 18 nhà sản xuất phốt-pho, mà Trung Quốc là nước có sản lượng phốt-pho vàng lớn nhất thế giới. Nga cũng là một trong các nước sản xuất và xuất khẩu phốt-pho đứng đầu với 5,8% sản lượng phốt pho toàn cầu vào năm 2020.

Trung Quốc, quốc gia có sản lượng phốt-pho vàng lớn nhất thế giới đã bắt đầu cắt giảm sản lượng dưới sức ép của chính sách giảm tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, chiến sự Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lượng phốt-pho vàng lưu hành trên thị trường thế giới giảm sút, đẩy giá tăng sốc đặc biệt trong một năm trở lại đây. 


(0) Bình luận
Hoá chất Đức Giang lãi lớn nhờ phốt-pho nhưng lợi nhuận có được duy trì trong năm tới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO