Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô sinh viên mới ra trường đã kể lại câu chuyện có phần đáng buồn của mình. Chuyện là cô bạn tiết kiệm được 150 triệu trong 4 năm học đại học. Tuy nhiên, vì quá tin người và ham làm giàu nhanh, nên hiện tại số tiền tích góp bao năm đã bị lừa hết sạch.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cũng khuyên cô bạn nên coi đây là bài học sâu sắc. Số tiền 150 triệu đương nhiên không phải nhỏ, nhưng bản thân còn trẻ, còn nhiều cơ hội kiếm tiền và quan trọng nhất là sai một lần, để còn biết đường mà tránh.
Đâu là kênh đầu tư dành cho những người muốn đầu tư nhưng chưa đủ dày kiến thức?
Với những bạn trẻ đang trong hoàn cảnh này, anh Gerard Do - Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, cho rằng đầu tư chứng chỉ quỹ là lựa chọn phù hợp nhất.
“Có hai trường phái đầu tư là đầu tư là đầu tư thụ động và đầu tư chủ động. Chứng chỉ quỹ là một dạng đầu tư thụ động, được thiết kế dành cho những người chưa biết gì hoặc chưa biết nhiều về thị trường đầu tư.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ” - Anh Gerard Do giải thích sơ lược về hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ.
“Có 3 lý do để chứng chỉ quỹ trở thành kênh đầu tư lý tưởng cho F0.
Lý do thứ nhất: Mua chứng chỉ quỹ giúp bạn tiết kiệm về chi phí và thuế. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định giao dịch và hoán đổi danh mục đầu tư, lợi nhuận của bạn càng bị bào mòn bởi phí giao dịch và tiền thuế khi bán cổ phiếu, mà cũng chưa chắc các quyết định đó có thực sự hiệu quả hay không. Các khoản phí và thuế này có vẻ nhỏ trong ngắn hạn, nhưng sẽ tích tụ lãi kép qua thời gian và sẽ ăn mòn 1 phần không nhỏ vào tổng lợi nhuận.
Lý do thứ hai: Mua chứng chỉ quỹ giúp giảm thiểu tối đa sai lâm trong đầu tư. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định mua bán, giao dịch cổ phiếu, cơ hội để bạn mắc sai lầm càng cao. Lựa chọn công ty để đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nếu kiến thức chưa đủ vững, bạn nên đầu tư chứng chỉ quỹ, vì danh mục đầu tư đã được cái chuyên gia/nhà quản lý chứng chỉ quỹ đánh giá, chọn lọc giúp cho bạn rồi.
Lý do thứ ba: Mua chứng chỉ quỹ không tốn nhiều thời gian và công sức. Đây là một ưu điểm rất lớn với những người quá bận rộn, không có nhiều thời gian quan sát, nghiên cứu thị trường” .
Việc đầu tư chứng chỉ quỹ cũng giống như việc mua vàng, mỗi tháng, bạn dành một ít vốn và mua đều hàng tháng trong tối thiểu 1 năm. Nếu làm được như vậy, anh Gerard Do khẳng định thành quả mà bạn gặt hái được sẽ rất lạc quan.
3 “hũ mật” mà các nhà đầu tư non trẻ cần tránh xa nếu không muốn mất cả chì lẫn chài
Trong 1 video khác trên kênh TikTok cá nhân, anh Gerard Do cũng chỉ mặt điểm tên những "cú lừa" mà thế hệ nhà đầu tư F0 cần tuyệt đối cảnh giác.
1 - Các thông tin phím hàng
Anh Gerard Do cho rằng việc lắng nghe các “chuyên gia” phím hàng trên livestream, các buổi hội thảo hay những sự kiện tương tự là dấu hiệu đầu tiên của việc bạn đang bị lừa.
“Càng đông người nghe, bạn càng dễ bị thua lỗ vì nếu tất cả người nghe đều tin tưởng và mua theo thông tin được phím hàng, vậy ai sẽ là người thua lỗ ở đầu bên kia của giao dịch? Chẳng lẽ tất cả đều sẽ thắng tiền hay sao?
Bạn phải luôn ghi nhớ câu nói sau đây: Nếu đã ngồi vào bàn chơi 30 phút mà vẫn chưa biết ai là “gà thì bạn chính là gà đó!” - Anh Gerard Do chia sẻ.
2 - Lời mời hợp tác đầu tư chung
“Hơn 90% các hình thức hùn vốn hay ủy thác đầu tư chung trên thị trường đều là lừa đảo. Tiền của bạn, bạn phải tự quản lý. Đừng tin bất kỳ chuyên gia nào khi họ đưa ra gợi ý giúp bạn quản lý tiền bằng hình thức đầu tư chung” - Anh Gerard Do chia sẻ.
Sau đó, anh cũng khẳng định việc đầu tư chung cũng có ngoại lệ, không phải lúc nào cũng là rủi ro thua lỗ hay lừa đảo. Đây chính là 10% còn lại. Bạn sẽ chỉ rơi vào nhóm này nếu đảm bảo được 3 yếu tố:
- Bạn đã biết về người đó.
- Sự tín nhiệm và uy tín của người đã được chứng minh qua các sự kiện trong quá khứ.
- Bạn hoàn toàn tin tưởng vào họ.
3 - Những lời hứa hẹn quá tốt về tỷ suất sinh lời
Đừng bao giờ tin những lời hứa hẹn như: Cam kết lãi gấp 2, gấp 3 tiền vốn bỏ ra trong vòng X tháng; chắc chắn không thể thua lỗ,... Tất cả những điều này đều là lừa đảo và chỉ có người đi lừa đảo mới dám nói như vậy.
“Bạn phải nhớ rằng trên TTCK, không bao giờ có bữa ăn miễn phí. Mỗi khi có người nói với bạn rằng bạn không cần làm gì nhiều ngoài việc bỏ ra một số vốn, rồi tiền lời sẽ tự động sinh lời, tự động chảy vào tài khoản, bạn hãy mặc định rằng họ chỉ đang muốn lấy số tiền vốn của bạn mà thôi” - Anh Gerard Do giải thích và đưa ra lời khuyên.