Vài ngày sau cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, ngân hàng Raiffeisen của Áo cho biết sẽ cân nhắc bán hoạt động kinh doanh tại Nga. Nhưng 27 tháng sau, Raiffeisen đang hoạt động khá tốt. Đội ngũ nhân sự đã đạt gần 10.000 người, tăng 7% kể từ năm 2022. Năm ngoái, lợi nhuận của ngân hàng đạt 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD), nhiều hơn các công ty con khác của ngân hàng và tăng gấp ba lần kể từ năm 2021.
Raiffeisen là một trong số hàng chục ngân hàng mà Nga coi là quan trọng đối với nền kinh tế của mình. Ngân hàng này cũng quan trọng đối với tài chính của Điện Kremlin. Năm ngoái, Raiffeisen nộp gần nửa tỷ USD tiền thuế tại Nga.
Raiffeisen là ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga, nhưng không phải là ngân hàng duy nhất. Tổng lợi nhuận của năm ngân hàng EU có hoạt động lớn nhất tại Nga đã tăng gấp ba lần, đạt gần 3 tỷ euro vào năm 2023. Thành công khiến các ngân hàng này trở thành mục tiêu. Vào tháng 5, Mỹ đe dọa sẽ hạn chế quyền tiếp cận hệ thống tài chính của Raiffeisen vì các giao dịch của ngân hàng này với Nga. Vào ngày 10/6, trong nỗ lực xoa dịu dư luận, ngân hàng lên kế hoạch ngừng chuyển USD ra khỏi Nga.
Về phần mình, Nga đang bắt đầu tịch thu tài sản của các ngân hàng phương Tây mà Nga cho là “không thân thiện”. Lợi nhuận trên giấy tờ tại Nga của các ngân hàng phương Tây có nguy cơ biến thành tro bụi.
Một số ngân hàng châu Âu, như Société Générale của Pháp, đã bán các hoạt động kinh doanh tại Nga vào giai đoạn đầu xung đột. Mặc dù những ngân hàng còn lại chỉ cắt giảm 3% nhân sự, danh mục đầu tư của họ đã thu hẹp khá nhiều. Chỉ có Raiffeisen vẫn giữ được hoạt động đáng kể, với 15% tài sản vẫn ở lại Nga. Đứng sau là UniCredit với 5%. Nhưng Raiffeisen cũng đã cắt giảm 58% số tiền gốc của các khoản cho vay và ngừng thực hiện các khoản vay mới, ngay cả khi ngân hàng vẫn gia hạn một số khoản vay hiện có.
Vậy tại sao các ngân hàng phương Tây tiếp tục kiếm được lợi nhuận? Một lý do chính nằm ở mức chênh lệch giữa lãi suất ít ỏi mà các ngân hàng trả cho người gửi và lãi suất của ngân hàng trung ương Nga. Lãi suất ngân hàng trung ương Nga là 16%, cao gần gấp bốn lần so với ba năm trước.
Một nguyên nhân khác đó là vào năm 2022, các ngân hàng đã trích lập các khoản dự phòng tổn thất tài sản lớn vì lo ngại sẽ có một làn sóng vỡ nợ tại Nga. Tuy nhiên, vì điều này không xảy ra, các khoản dự phòng đã được giải ngân, giúp thúc đẩy lợi nhuận, theo Halil Sentürk của công ty xếp hạng tín nhiệm Morningstar dbrs.
Một nguyên nhân quan trọng khác đó là, các lệnh trừng phạt đã loại bỏ hầu hết các đối thủ cạnh tranh phương Tây. Kết quả là, những doanh nghiệp châu Âu cố gắng bám trụ tại Nga, đặc biệt là Raiffeisen, đã được hưởng lợi. Sau cuộc xung đột, tiền gửi tại ngân hàng của Áo đã tăng vọt dù lãi suất cực kỳ thấp. Đó là vì nhiều người gửi tiền ở Nga muốn gửi một số khoản tiền mặt tại ngân hàng phương Tây đề phòng trường hợp các ngân hàng trong nước phá sản. Raiffeisen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền vào và ra khỏi Nga. Các giao dịch này chiếm gần một nửa tổng số các khoản thanh toán của Raiffeisen với phần còn lại của thế giới vào tháng 2 năm ngoái.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh như vậy chỉ có lợi nhuận trên giấy tờ, vì lợi nhuận rất khó hồi hương. Nga thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ nhằm ngăn chặn các ngân hàng chuyển tiền mặt. Đồng thời, lợi nhuận trên giấy tờ lớn cũng đang thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu.
Tháng trước, một số bên cho vay đã nhận được một lá thư từ Ngân hàng Trung ương châu Âu yêu cầu họ cắt giảm mức độ tiếp xúc với Nga. Raiffeisen được lệnh cắt giảm thêm 65% số tiền gốc của các khoản cho vay tại Nga vào năm 2026, sớm hơn so với kế hoạch của ngân hàng.
Vào tháng 12, Nhà Trắng đã ban hành một lệnh hành pháp, trong đó các ngân hàng nước ngoài sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp nếu họ bị phát hiện tạo điều kiện cho các giao dịch liên quan đến công nghiệp và quân sự của Nga. Vào tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã cảnh báo các ngân hàng châu Âu rằng “hoạt động của họ tại Nga tạo ra rất nhiều rủi ro”.
Vấn đề đối với các ngân hàng châu Âu tại Nga là họ có ít lối thoát. Lý tưởng nhất là bán chi nhánh tại Nga cho các công ty nước ngoài khác. Nhưng ít ai quan tâm đến việc tiếp quản các doanh nghiệp phức tạp về mặt địa chính trị như vậy. Hầu hết các nỗ lực bán mảng kinh doanh tại Nga đều kéo dài hoặc thất bại.
Hồi hương vốn cũng gặp phải những rủi ro lớn. Vừa rồi, Raiffeisen lần đầu tiên lọt vào tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ, khi công ty này cố gắng đổi một số tài sản tại Nga để lấy cổ phần tại Strabag – một công ty xây dựng của Áo nhưng sau đó thuộc sở hữu của Oleg Deripaska – nhà tài phiệt đang nằm trong lệnh trừng phạt.
Tình thế này khiến các ngân hàng châu Âu phải đưa ra lựa chọn cuối cùng: Tiếp tục thu hẹp danh mục đầu tư tại Nga. Nhưng việc này cũng không hề đơn giản, không chỉ vì sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý phương Tây. Vào tháng 5, một tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu tài sản của Commerzbank và Deutsche Bank, hai ngân hàng cho vay của Đức, vì họ tham gia vào một dự án khí đốt đã bị hủy bỏ sau cuộc xung đột. Trong một vụ khác, tòa án cũng đã tịch thu tài sản của ngân hàng Ý UniCredit. Tất cả những trường hợp này cho thấy nhiều ngân hàng phương Tây tại Nga có khả năng sẽ bị xóa sổ ít nhất một phần.