Bộ Tài chính khẳng định điều đó trong Báo cáo tổng kết công tác phát triển thị trường vốn năm 2021 và những nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo.
Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện đúng các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về khối lượng huy động và tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn 5 năm trở lên.
Theo đó, tính đến 20/12/2021, khối lượng huy động Trái phiếu Chính phủ là 313.243 tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch huy động năm 2021 (350.000 tỷ đồng) và bằng 83,98% kế hoạch điều chỉnh (373.000 tỷ đồng); Đã phát hành 100% Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 91,62% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.
Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,90 năm, giảm 0,04 năm so với cuối năm 2020. Việc huy động kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ Trái phiếu Chính phủ.
Lãi suất phát hành Trái phiếu Chính phủ đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ.
Theo đó, lãi suất phát hành trong năm 2021 có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, trung bình giảm từ 0,11 – 0,46%/năm so với thời điểm cuối năm 2020, qua đó tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
Đối với Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và Trái phiếu Chính quyền địa phương: Tính đến 20/12/2021, tổng khối lượng phát hành của 2 Ngân hàng Chính sách là 21.524 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng chính sách xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển phát hành 10.500 tỷ đồng.
Không có địa phương nào huy động vốn từ phát hành Trái phiếu Chính quyền địa phương.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, tính đến cuối tháng 11/2021 các doanh nghiệp phát hành 495.029 tỷ đồng (trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng), tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020.
Quy mô thị trường Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tính đến cuối tháng 11/2021 tương đương 20,4%GDP năm 2020, tăng 27,5% so với cuối năm 2020.
Các tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất, chiếm 34,5% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 27,8%.
Nhà đầu tư chính mua Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng đầu năm 2021 là các công ty chứng khoán (chiếm 37,4% tổng khối lượng phát hành), tỷ trọng mua Trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chiếm 5,5%, giảm mạnh so với năm 2020 (bình quân 12,7%).
Để đảm bảo huy động vốn cho ngân sách triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành Trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đồng thời nghiên cứu, đa dạng sản phẩm phát hành, xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước.
Nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư.
Đối với thị trường Trái phiếu doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng.
Xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa thu hút thêm các nhà đầu tư.
Phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP, trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.