Vào năm 2004, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt đã mở một công ty vi mạch ở Hà Nội. Vị này đã tuyển ông Nguyễn Thanh Yên - một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện và viễn thông. Vì không có kiến thức về thiết kế chip, ông Yên đã phải dành 3 tháng để học việc.
Hiện tại, ông Yên đã là kỹ sư trưởng tại văn phòng Hà Nội của công ty thiết kế chip Hàn Quốc CoAsia Semi. Mặc dù đã có sự nghiệp thành công, nhưng ông vẫn gặp khó giống người sếp đầu tiên của mình, đó là thiếu kỹ sư thiết kế chip.
"Trong 3 năm qua, tôi mới chỉ tuyển dụng được 70 kỹ sư thiết kế chip, bằng một phần nhỏ so với con số mục tiêu 300 đặt ra. Thậm chí, tôi phải thiết một khoá học cho các sinh viên kỹ thuật để đào tạo lại", ông Yên chia sẻ với Rest of World.
Theo Rest of Word, Việt Nam được dự báo sẽ thiếu 15.000 kỹ sư trong vòng 5 năm tới.
Ngày 10/9 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, nâng quan hệ song phương lên mức ngoại giao cấp cao nhất. Một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là thiết lập mối quan hệ đối tác bán dẫn, hỗ trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Mỹ.
Trong đó bao gồm chương trình tài trợ hạt giống của Mỹ, trị giá 2 triệu USD để phát triển các phòng thí nghiệm giảng dạy, các khoá đào tạo về chế tạo, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn tại Việt Nam. Số tiền này đến từ Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) theo Đạo luật CHIPS – nhằm mục đích “mở rộng và đa dạng hóa năng lực hạ nguồn của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Châu Mỹ”.
Tuy nhiên, theo ước tính của người điều hành một cộng đồng kỹ sư vi mạch nổi tiếng trên Facebook, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo chuyên ngành chip. Còn theo Reuters, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ phải tăng gấp gần 10 lần con số này để đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất chất bán dẫn.
Và trong khi Mỹ đang rất cần các kỹ sư chip Việt Nam giàu kinh nghiệm thì nguồn nhân tài lại rất khan hiếm. Các chuyên gia cũng chia sẻ với Rest of World có rất ít chương trình đào tạo về sản xuất chip và nhận thức của sinh viên về nghề này còn thấp.
Cách nhanh nhất để có được lực lượng lao động cần thiết là sẽ phải đào tạo lại các kỹ sư điện và các kỹ sư chuyên ngành khác - tương tự những gì ông Nguyễn Thanh Yên đã trải qua trong quá khứ.
Hoạt động bán dẫn của Việt Nam đã có từ nhiều thập kỷ trước đó. Tuy nhiên lại gặp trở ngại do thiếu kinh phí và chuyên môn kỹ thuật. Hiện lĩnh vực này đang có 40 doanh nghiệp nước ngoài tham gia, đáng chú ý nhất là Intel- công ty Mỹ có cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất tại TP HCM.
Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Hầu hết các nhà sản xuất bán dẫn có mặt tại Việt Nam đều tập trung vào lắp ráp chip - phần ít tốn vốn nhất trong chuỗi cung ứng - để tận dụng lợi thế chi phí lao động.
Các công ty của Việt Nam nổi bật trong lĩnh vực sản xuất chip là Viettel và FPT. Riêng FPT đã phát triển hệ sinh thái của mình, xuất khẩu kỹ sư sang Nhật Bản và đã ký được đơn hàng thiết kế chip cho thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD.
Gần đây, một số công ty bán dẫn của Mỹ đã mở rộng sang Việt Nam. Chẳng hạn Amkor Technology dự kiến sẽ mở một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng tới. Hay Synopsys đang mở một trung tâm thiết kế và ươm tạo bán dẫn hợp tác với Saigon Hi-Tech Park. Còn Marvell có kế hoạch mở một trung tâm bán dẫn tại TP.HCM - nơi Intel đã hoạt động hơn 15 năm.
Tuy nhiên, sự hiện diện của những tên tuổi lớn chưa đủ để thu hút một lượng lớn sinh viên Việt Nam tiềm năng đáp ứng nhu cầu của người tuyển dụng.
Ông Udo Klein, giảng viên cao cấp về kỹ thuật điện Đại học Việt Đức tại Bình Dương, cho biết sinh viên không thực sự nhận thức được cơ hội việc làm trong lĩnh vực kỹ thuật bán dẫn. Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ đang nỗ lực để phát triển nền kinh tế bán dẫn của họ, gia tăng cạnh tranh toàn cầu về nhân tài và thị phần.
Phòng quang khắc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội - trường kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, thường chỉ có một vài nhà nghiên cứu. Viện khoa học vật liệu của trường được thành lập vào năm 1992 dưới dạng quan hệ đối tác giữa chính phủ Việt Nam và Hà Lan. Trong khi phòng quang khắc được tài trợ bằng tiền viện trợ phát triển của Hà Lan và Nhật Bản.
Quang khắc là tập hợp các quá trình quang hóa nhằm thu được các phần tử trên bề mặt của đế có hình dạng và kích thước xác định. Có nghĩa là quang khắc sử dụng các phản ứng quang hóa để tạo hình.
Trong năm nay, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã mở chương trình đại học về chế tạo và thiết kế bán dẫn, có tên là “Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano” - chương trình đầu tiên và duy nhất thuộc loại này tại Việt Nam.
Các tên tuổi trong ngành như Amkor Technology, Viettel Telecom và Seoul Semiconductor đã bày tỏ quan tâm hợp tác. Công ty thậm chí còn tặng cho nhà trường các thiết bị quan trọng cho sinh viên.
“Các giảng viên đã muốn phát triển ngành sản xuất bán dẫn từ lâu rồi. Cuối cùng, Giám đốc trường đã bật đèn xanh vào năm ngoái, sau khi các công ty bán dẫn lớn đầu tư và mở rộng sang Việt Nam”, PGS. TS. Nguyễn Văn Quy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội nói.
Khoá học đầu tiên gồm 89 sinh viên đã bắt đầu vào tuần trước. Trong số đó có Nguyễn Đăng Hà, quê ở Bắc Ninh. Hà cho biết đã thấy một nhà máy sản xuất chip khổng lồ của Amkor được xây dựng gần nhà mình, điều này đã ảnh hưởng đến quyết định đăng ký học của bạn trẻ này.
Phải mất 5 năm rưỡi để Hà tốt nghiệp với bằng cử nhân và thạc sĩ, nhưng tham vọng của Hà không dừng lại ở việc học xong và về quê làm việc. “Tôi muốn ra nước ngoài để tiếp tục học tập”, Hà nói.
Nhưng để tận dụng mối quan hệ hợp tác với Mỹ- và để Mỹ đạt được những kết quả nhanh chóng mà họ cần - Việt Nam cần các kỹ sư ngay bây giờ. Klein - một học giả cho biết có nguy cơ là cánh cửa cơ hội hiện tại sẽ đóng lại trước khi những bước phát triển cần thiết được thực hiện.
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Thanh Yên cho rằng Việt Nam cần có các ưu đãi dành cho những công ty thiết kế chip. Trải qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, vị này thấy nó có thể mang lại lợi ích cho đất nước.
“Một thiết kế chip duy nhất giống như một hạt lúa Bạn nghĩ ra một giống lúa và bán hàng tỷ bản sao. Tuy nhiên, nó có lợi nhuận hơn nhiều so với việc bán lúa”, ông Nguyễn Thanh Yên nói. “Việt Nam phải có khả năng sở hữu các thiết kế chip của mình. Nếu không, chúng ta chỉ là đang làm thuê cho người Mỹ”.
Ngay bây giờ, Việt Nam cần các kỹ sư chip để tận dụng lợi thế của sự hợp tác với Mỹ và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Chính phủ cần đưa ra các ưu đãi cho các công ty thuê và đào tạo sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực này.