Không phải lợi suất trái phiếu, nhà đầu tư cần quan sát một chỉ báo ngược khác có ảnh hưởng lớn tới diễn biến thị trường

Dương Ngọc | 15:32 01/03/2023

Vị chuyên gia Yuanta cho rằng khuynh hướng hạ nhiệt lãi suất của FED là điểm sáng trong năm 2023.

Không phải lợi suất trái phiếu, nhà đầu tư cần quan sát  một chỉ báo ngược khác có ảnh hưởng lớn tới diễn biến thị trường

Thị trường chứng khoán chứng kiến đà giảm gần 8% trong tháng 2, suýt đánh rơi hết thành quả tháng đầu năm trước đó. Tại chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá “cơn bão” lớn nhất trên thị trường chứng khoán năm 2022, áp lực tăng lãi suất của FED đã tạm lắng. Nhiều khả năng, tháng 6/2023 là thời điểm FED Funds Rate tạo đỉnh.

Trong thời gian gần đây, một số chỉ báo lạm phát tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp đang ủng hộ cho việc FED nâng lãi suất, kéo theo lợi suất trái phiếu cũng tăng lên. Theo nhiều dự báo và kỳ vọng của nhà đầu tư, FED sẽ có 3 đợt nâng lãi suất 0,25% và lãi suất sẽ đạt đỉnh vào tháng 6 tại mức 5,5%.

Ông Minh cũng nhận định rằng xu hướng hạ nhiệt lãi suất của FED là một điểm sáng trong năm, theo đó áp lực nâng lãi suất sẽ không còn lớn như năm 2022.

Do vậy, dòng tiền đang có xu hướng chảy vào các tài sản an toàn trong đó có đồng USD. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm tới diễn biến của đồng USD thời điểm hiện tại bởi đây là một trong những chỉ báo ngược quan trọng của chỉ số chứng khoán, bên cạnh lợi suất trái phiếu.

Hiện, đồng USD đang quay trở lại vùng đỉnh đầu năm 2023, với mức cản khá mạnh đâu đó 105 điểm. Trong trường hợp những phiên tiếp theo đồng USD không có khả năng bứt phá khỏi mốc này, áp lực điều chỉnh với đồng USD có thể diễn ra và tác động hiệu ứng ngược đối với các chỉ số chứng khoán. Nghĩa là chỉ số chứng khoán sẽ có cơ hội tăng trưởng trở lại”, ông Minh cho hay.

vnii-28.png

Chiến lược "phòng thủ" cần được ưu tiên trong ngắn hạn

Nhiều nhà đầu tư áp dụng những chiến lược khác nhau, một bộ phận tận dụng các nhịp hồi nhằm cơ cấu danh mục và lui dần về trạng thái “phòng thủ” nhưng cũng có một số người sẵn sàng chuyển nhanh trạng thái “tấn công” khi thị trường về các vùng hỗ trợ mạnh. 

Theo quan điểm của ông Minh, quý 2 và giữa quý 3 năm nay là thời điểm doanh nghiệp đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất. Áp lực đáo hạn TPDN, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản là một trong những rủi ro kế tiếp của thị trường. Do đó, từ nay cho tới quý 2 sắp tới, vị chuyên gia Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ hơn là chấp nhận rủi ro cao đối với những nhóm cổ phiếu trên thị trường.

Đánh giá về nhóm cổ phiếu thép, chuyên gia cho biết nhóm thép có tính chu kỳ với mức định giá rất thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và tạo đáy lợi nhuận vào quý 4 vừa qua. Hiện, cổ phiếu nhóm này đang ở giai đoạn cân bằng trở lại. "Một điểm cộng cho nhóm là nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong quý 1 và quý 2. Tuy nhiên, xuất khẩu của nhóm thép sẽ khó có thể hưởng lợi mạnh mẽ như đầu năm 2022 và cuối năm 2021 trước đó", ông Minh chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Không phải lợi suất trái phiếu, nhà đầu tư cần quan sát một chỉ báo ngược khác có ảnh hưởng lớn tới diễn biến thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO