Nga và Trung Quốc đang tận dụng nguồn cung uranium làm giàu thấp cho các nhà máy điện hạt nhân để gây sức ép lên Mỹ và châu Âu khi nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng.
Nga hiện dẫn đầu trong sản xuất uranium làm giàu, nắm giữ khoảng 40% thị phần toàn cầu. Còn lại là Anh, Pháp và Trung Quốc.
Tháng 11, chính phủ Nga đã công bố các hạn chế đối với việc xuất khẩu uranium làm giàu thấp sang Mỹ. Động thái này nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga vào tháng 5. Uranium của Nga chiếm 24% tổng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Mỹ trong năm 2022.
Trong khi Mỹ cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga như một phần của lệnh trừng phạt, nhập khẩu uranium vẫn được miễn trừ đến năm 2028. Việc xây dựng chuỗi cung ứng mới để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga dự kiến sẽ rất tốn kém và mất nhiều năm.
Uranium mà Mỹ nhập khẩu từ Nga trong năm 2023 tăng 20% so với năm trước đó, nhằm dự trữ trước khi lệnh miễn trừ hết hiệu lực.
Nhu cầu nhiên liệu hạt nhân toàn cầu đang gia tăng khi trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiêu tốn năng lượng khác trở nên phổ biến. Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, nhu cầu về uranium sẽ tăng 28% trong giai đoạn 2023-2030.
Giữa những lo ngại về nguồn cung, Mỹ đã chuyển hướng sang Trung Quốc. Thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy Trung Quốc không xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ từ năm 2020-2022. Nhưng sang năm 2023, nước này đã xuất khẩu khoảng 293 tấn sang Mỹ, tương đương với khoảng 40% lượng xuất khẩu của Nga sang Mỹ. Trung Quốc cũng đã xuất khẩu khoảng 124 tấn uranium vào tháng 5.
Trung Quốc đã sử dụng kim loại đất hiếm làm con bài mặc cả. Sự phụ thuộc lớn hơn của Mỹ vào uranium của Trung Quốc sẽ củng cố thêm vị thế của Bắc Kinh trên trường ngoại giao.
Nhưng có lo ngại rằng Trung Quốc về cơ bản đang giúp Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây. Reuters đưa tin vào tháng 9 rằng chính quyền ông Biden đang xem xét liệu Trung Quốc có nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga và tái xuất sang Mỹ hay không.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chậm chạp trong việc giảm phụ thuộc vào uranium của Nga. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở châu Phi cũng hạn chế các lựa chọn thay thế của châu Âu.
20% số uranium của Pháp dành cho các nhà máy điện có nguồn gốc từ Niger. Nhưng sau lên nắm quyền Niger năm 2023, chính phủ thân Nga của quốc gia châu Phi này can thiệp vào hoạt động khai thác uranium của công ty trong nước do Pháp sở hữu và đang muốn phía Nga tham gia khai thác.
Indra Overland, giáo sư nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy, cho biết việc thiết lập chuỗi cung ứng thay thế cho châu Âu khó hơn so với Mỹ, “vì đây, như thường lệ, vẫn là điểm yếu”.
Tháng 12/2023, Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường năng lực sản xuất uranium làm giàu để hạn chế phụ thuộc vào Nga. Mặc dù các nước này đã tăng cường đầu tư, việc thay thế nguồn cung của Nga được cho là sẽ mất hơn một thập kỷ.
Theo Nikkei Asia