Thẻ tín dụng (credit card) là loại thẻ được cấp bởi các đơn vị tài chính hoặc tổ chức tín dụng, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch với hạn mức tín dụng nhất định. Hay nói một cách đơn giản, tấm thẻ này sẽ cho phép khách hàng "tiêu trước trả sau". Chủ thẻ tín dụng vẫn có thể chi tiêu khi không có tiền và thanh toán lại cho ngân hàng sau một thời hạn nhất định.
Thủa mới ra đời, các ngân hàng thường dựa trên thu nhập để xác định hạn mức tín dụng thẻ tín dụng cho từng khách hàng. Sau này, các ngân hàng ngày càng mở rộng tiêu chí và sử dụng những tiêu chí khác như doanh số giao dịch tài khoản thanh toán, số dư bình quân tiền gửi tiết kiệm, uy tín sử dụng thẻ tín dụng tại ngân hàng khác, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ,... để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.
Điều này đã khiến cho việc xét duyệt cấp hạn mức thẻ tín dụng trở nên linh hoạt hơn, giảm thiểu thủ tục cho khách hàng như không còn phải cung cấp sao kê, bảng lương, hợp đồng lao động,... và bao phủ được đối tượng khách hàng rộng hơn như những người kinh doanh, freelancer, bán hàng online,...
Hiện nay, rất nhiều ngân hàng có chính sách cấp thẻ tín dụng không cần chứng minh thu nhập, thay thế bằng 1 số yêu cầu khác, chẳng hạn như:
Trở thành chủ thẻ phụ "share" hạn mức thẻ tín dụng với người thân
Các ngân hàng hiện nay cho phép chủ thẻ chính mở tối đa 3 thẻ tín dụng phụ với điều kiện chủ thẻ phụ là người thân (vợ chồng, con,..) của chủ thẻ chính.
Thẻ tín dụng phụ là thẻ tách ra từ thẻ tín dụng chính và dùng chung hạn mức với thẻ chính. Người dùng thẻ phụ không cần chứng minh thu nhập nhưng phải chịu sự kiểm soát của chủ thẻ chính.
Thủ tục mở thẻ phụ thường khá đơn giản, nhanh chóng, chỉ yêu cầu cung cấp về giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân nên nếu người thân trong gia đình đã sử dụng thẻ tín dụng và không có nhu cầu nâng hạn mức tín dụng thì có thể đề nghị ngân hàng mở thẻ phụ để sử dụng.
Chủ thẻ phụ sẽ có những trải nghiệm chất lượng và tận hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn như chủ thẻ chính, điều lưu ý chỉ là khi tiêu thẻ chủ thẻ chính sẽ nắm được.
Mở thẻ tín dụng thông qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Nếu sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang đóng ổn định từ một năm trở lên thì bạn hoàn toàn có thể mở thẻ tín dụng của ngân hàng. Các ngân hàng có thể dựa vào hợp đồng bảo hiểm này làm căn cứ để phát hành thẻ cho khách hàng.
Giá trị một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khá lớn và thời gian kéo dài thường trên 5 năm, điều này giúp chứng minh năng lực và khả năng tài chính của khách hàng.
Mở thẻ dựa trên việc sở hữu thẻ tín dụng ở ngân hàng khác
Trong trường hợp bạn đang sở hữu một thẻ tín dụng ở một ngân hàng và có nhu cầu mở thêm thẻ ở ngân hàng khác, việc này cơ bản khá dễ dàng. Dựa trên lịch sử giao dịch và hạn mức đã được cấp, nhiều ngân hàng sẽ căn cứ vào đó để mở và cấp hạn mức thẻ tín dụng cho bạn.
Từng đi du lịch trong vòng 5 năm gần nhất
Một số ngân hàng hiện nay xem xét số lần khách hàng đã từng đi du lịch nước ngoài trong 5 năm gần nhất từ đó đánh giá số dư tài chính và thu nhập, làm căn cứ để phát hành thẻ tín dụng.
Điều này nghe có vẻ lạ lùng nhưng thật ra khá hợp lý. Vì nó dựa trên thực tế, những người đủ khả năng chi trả cho du lịch có thu nhập ở mức trung bình khá trở lên và đa phần có nhu cầu chi tiêu thẻ cao hơn.
Sở hữu nhà đất, ô tô
Mặc dù thẻ tín dụng được cấp với hình thức tín chấp nhưng việc bạn có thể "show" ra với ngân hàng các chứng từ thể hiện mình đang sở hữu bất động sản hoặc xe ô tô - những tài sản có giá trị cao hoặc thể hiện mức sống khá cũng là 1 căn cứ cho việc xét cấp hạn mức thẻ được nhiều ngân hàng chấp nhận.
Trên hết, cho dù mở thẻ bằng cách nào, bạn cũng hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất để được cấp hạn mức tín dụng đó là lịch sử giao dịch tín dụng hay thông tin tín dụng CIC của bạn phải "sạch", nghĩa là không có nợ quá hạn, chậm trả,...