CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FRT (FPT Retail, FRT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2023, ghi nhận doanh thu thuần 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tương ứng, lợi nhuận gộp Công ty thu về 1.371 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với quý 3/2022.
Dù vậy, áp lực chi phí tăng, đặc biệt chi phí bán hàng vượt 1.000 tỷ khiến lợi nhuận thuần trong kỳ của FRT bị "ăn mòn", từ mức 103 tỷ chỉ còn chưa đến 1,5 tỷ đồng. Từ tháng 4/2023, cuộc chiến hạ giá giữa các đại lý ICT trong bối cảnh sức mua yếu đã và đang ảnh hưởng nặng lên chỉ số của các bên. Khấu trừ chi phí, FRT lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 85 tỷ.
Lý giải cho kết quả trên, Công ty cho biết:
Thứ nhất, tại mảng ICT: bị ảnh hưởng nặng, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng kéo dài từ các của các yếu tố bất lợi của thị trường chung kể từ đầu năm nay, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu, thắt chặt tiêu dùng đối với các hàng hoá không thiết yếu và giá trị cao như điện thoại, laptop... Do đó, ảnh hưởng khiến doanh thu mảng ICT Công ty giảm đáng kể (tương đương giảm 21% trong quý 3/2023).
Ngoài ra, tình hình cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ diễn ra mạnh dẫn đến lợi nhuận Công ty không đạt kỳ vọng và lỗ 69 tỷ đồng.
Thứ hai tại mảng dược: điểm sáng tiếp tục là công ty con Dược phẩm Long Châu. Trong kỳ, Long Châu mở mới được 584 cửa hàng so với cuối quý 3/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất.
Luỹ kế 9 tháng, FRT đạt 23.160 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, Long Châu đóng góp 11.088 tỷ, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, chuỗi vẫn duy trì được mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức gần 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Long Châu vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chưa đóng góp nhiều lợi nhuận.
Trừ các chi phí, FRT lỗ sau thuế gần 226 tỷ, cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng. Khoản mục lợi ích cổ đông thiểu số đạt hơn 19 tỷ, tương ứng lợi nhuận từ chuỗi Long Châu 9 tháng vào mức 123 tỷ đồng. Như vậy, riêng quý 3/2023 Long Châu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đóng góp hơn 50 tỷ, so với con số 2 quý đầu năm là 71 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2023, thua lỗ khiến "của để dành" là LNST chưa phân phối hao hụt xuống mức 340 tỷ đồng. Tổng tài sản FRT ở mức 11.720 tỷ, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, tiền và tương đương tiền hơn 541 tỷ đồng. Công ty cũng có khoản tiền gửi ngắn hạn hơn 1.000 tỷ. Hàng tồn kho tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với 7.290 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ. Về nợ phải trả, dư nợ đến cuối kỳ đạt 9.925 tỷ, nợ vay ngắn hạn hơn 5.646 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nếu cùng kỳ khoản cho công ty mẹ là FPT vay hơn 4.000 tỷ giúp FRT có thêm khoản thu nhập lãi cho vay hàng trăm tỷ đồng, thì hiện FRT đã không còn thực hiện hoạt động tài chính doanh nghiệp này. Theo đó, lãi cho vay/tiền gửi trong kỳ giảm mạnh xuống còn 34 tỷ đồng.
Từng là “nghề tay trái” với đóng góp doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, hoạt động tài chính doanh nghiệp (cụ thể là vay – cho vay lại và hưởng chênh lệch) tại nhiều công ty lớn đã không còn hiệu quả. Thậm chí, hoạt động tài chính còn đang “ăn mòn” lợi nhuận kinh doanh thuần bất chấp doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc.
Riêng tại FRT, từ quý 3 năm ngoái, hoạt động này đã được Công ty điều chỉnh giảm mạnh, do áp lực chi phí lãi vay tăng. Cụ thể, khi lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh, do hết hạn mức tín dụng và sự điều chỉnh của lãi huy động, hoạt động tài chính của FRT đang không còn hiệu quả và lỗ ròng từ hoạt động tài chính của FRT là 39 tỷ đồng.