Các chuyên gia phát triển trên toàn cầu và đại diện ngành nói với tờ The Washington Post rằng nỗ lực giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến người lao động Mỹ rơi vào tình trạng bấp bênh và đe dọa hàng tỷ USD mà cơ quan này chi cho các doanh nghiệp và tổ chức Mỹ.
USAID giám sát các dự án như viện trợ lương thực, cứu trợ thiên tai và các chương trình y tế tại hơn 100 quốc gia với đội ngũ nhân viên hơn 10.000 người và ngân sách khoảng 40 tỷ USD. Hàng tỷ đô la trong số đó chảy trở lại kinh tế Mỹ. Tháng trước, Tổng thống Donald Trump ra lệnh đóng băng 90 ngày đối với viện trợ nước ngoài.
Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa và dịch vụ cho USAID đối mặt với sự bất định. Các trang trại của Mỹ cung cấp khoảng 41% viện trợ lương thực mà USAID hợp tác với Bộ Nông nghiệp gửi đi khắp thế giới mỗi năm, theo báo cáo năm 2021 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS). Năm 2020, chính phủ Mỹ đã mua 2,1 tỷ USD viện trợ lương thực từ nông dân Mỹ.
Theo các quan chức và một email mà The Post có được, việc mua và vận chuyển viện trợ lương thực Mỹ trị giá hơn 340 triệu USD, bao gồm gạo, lúa mì và đậu nành, đã bị tạm dừng trong thời gian đóng băng viện trợ nước ngoài. Điều đó đã khiến hàng trăm tấn lúa mì của Mỹ bị “mắc kẹt” chỉ riêng ở Houston.
Bình luận về các động thái của ông Trump, Nhà Trắng cho biết họ đang cắt giảm các chương trình không mang lại lợi ích cho người Mỹ. “Tổng thống Trump muốn đảm bảo rằng các chương trình do người dân nộp thuế để vận hành USAID phù hợp với lợi ích quốc gia, bao gồm cả việc bảo vệ nông dân Mỹ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, giám đốc tạm quyền của USAID, cho biết “nhiều chức năng của USAID” sẽ tiếp tục. USAID thông báo gần như tất cả nhân viên mà cơ quan này tuyển dụng trực tiếp trên toàn cầu bị cho nghỉ từ 7/2.
Các chuyên gia cho biết các chương trình viện trợ nhân đạo của USAID phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa và dịch vụ do các công ty và tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ cung cấp.
Một email từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc xác nhận lệnh ngừng hoạt động của USAID đã làm gián đoạn hơn 507.000 tấn viện trợ lương thực của Mỹ. Kế hoạch mua 180.126 tấn thực phẩm cũng bị dừng hoàn toàn.
Steven Mercer, phó chủ tịch truyền thông của Cơ quan công nghiệp Hiệp hội Lúa mì Mỹ (USWA), cho biết các khoản tài trợ của Bộ Nông nghiệp nhằm mua 235.000 tấn lúa mì của Mỹ dưới dạng viện trợ lương thực đã tạm thời bị dừng lại. Bộ này hợp tác chặt chẽ với USAID để phân phối viện trợ lương thực cho các quốc gia đang cần.
Mercer cho biết: “Chúng tôi hy vọng lệnh tạm dừng này sẽ được dỡ bỏ vì đây là một chương trình quan trọng, sử dụng lúa mì trồng tại Mỹ để hỗ trợ các dự án phát triển”.
Michael Klein, phát ngôn viên của tổ chức USA Rice, cho biết cơ quan này vẫn đang đánh giá tác động của việc đóng băng tài trợ nhưng gần như chắc chắn sẽ tác động đến nông dân trồng lúa. Mỹ đã xuất khẩu 161.000 tấn gạo trị giá 126 triệu USD dưới dạng viện trợ lương thực trong năm tài chính 2024, Klein cho biết.
Ông Levendofsky thuộc Liên đoàn Nông dân Kansas, bày tỏ lo ngại về thông tin nhân viên USAID bị cho nghỉ vì điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phối hợp mua và vận chuyển viện trợ lương thực của Mỹ của liên đoàn. “Những người nông dân bị ảnh hưởng. Nền kinh tế nông nghiệp bị ảnh hưởng”, ông nói.
Theo Washington Post