Không cần chờ tới thời “bão" giá, nhiều chủ khách sạn Việt Nam đã “mắc cạn" ngay từ vạch xuất phát

Đức Duy | 15:26 11/04/2025

Dường như giá nhân công, nguyên liệu, thực phẩm tăng cũng không đáng sợ bằng “tử huyệt” mà nhiều chủ khách sạn tại Việt Nam đang gặp phải.

Không cần chờ tới thời “bão" giá, nhiều chủ khách sạn Việt Nam đã “mắc cạn" ngay từ vạch xuất phát

Sau những nỗ lực vực dậy mạnh mẽ nhờ làn sóng du lịch quốc tế quay trở lại, ngành khách sạn Việt Nam tưởng chừng đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, bức tranh toàn cảnh vẫn còn ẩn chứa không ít gam màu xám.

Sự biến động khó lường của lực lượng lao động, cùng với đà tăng phi mã của giá nguyên vật liệu, trang thiết bị và thực phẩm, đang đặt các nhà quản lý vào thế khó.

Áp lực không chỉ đến từ bài toán chi phí. Khách hàng thời đại mới ngày càng khắt khe hơn trong từng trải nghiệm dịch vụ.

"Làm thế nào để vừa 'thắt lưng buộc bụng' chi phí vận hành, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng và đồng thời tăng doanh thu, cải thiện thu nhập cho người lao động? Đây thực sự là một câu hỏi hóc búa, đòi hỏi các đơn vị phải có những tính toán chiến lược," bà Xoan chia sẻ.

Sai lầm nghiêm trọng của nhiều chủ khách sạn

Tiến sĩ Trần Huy Đức từ Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra một "điểm mù" nguy hiểm mà nhiều chủ đầu tư và nhà điều hành khách sạn thường bỏ qua, đó là chưa đánh giá và quản lý chi phí vận hành một cách toàn diện ngay từ những bước đầu tiên.

Theo ông, chi phí vận hành thường "ẩn mình" trong nhiều hạng mục và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Để quản lý tài chính hiệu quả, việc nắm rõ tổng chi phí theo từng kỳ, phân loại chi tiết theo các mảng kinh doanh (lưu trú, ẩm thực, dịch vụ bổ sung) là tối quan trọng.

Ông Đức lưu ý rằng, bộ phận mang lại doanh thu cao nhất thường đi kèm với chi phí lớn nhất, do đó, việc xác định tỷ lệ chi phí trên doanh thu của từng mảng là chìa khóa để đánh giá hiệu quả và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Trong khi đó, chuyên gia chiến lược tăng trưởng Lê Bá Hải Siêu, với nhiều năm kinh nghiệm đầu tư và điều hành chuỗi khách sạn 4 sao lại chỉ ra một thực trạng: "Tôi biết nhiều chủ đầu tư không thực sự nghiêm túc, thiếu kiến thức, tâm lý sợ tốn kém hoặc tìm chưa đúng người để xây dựng cấu trúc chi phí một cách bài bản ngay từ giai đoạn đánh giá tính khả thi của dự án."

Theo ông Siêu, sai lầm ngay từ khâu thiết kế sản phẩm sẽ dẫn đến những hệ lụy dây chuyền, bào mòn lợi nhuận của khách sạn. Chi phí cố định bị đẩy lên quá cao do những tính toán ban đầu không chính xác, hoặc những lỗi về công năng trong thiết kế đòi hỏi những sửa chữa tốn kém sau này.

"Đây chính là “tử huyệt” khiến mọi nỗ lực tối ưu hóa chi phí ở giai đoạn vận hành trở nên khó khăn và kém hiệu quả," ông nhấn mạnh.

Tối ưu hóa thông minh thay vì cắt giảm vô tội vạ

Vậy, đâu là lối thoát cho bài toán chi phí nan giải này? Các chuyên gia đều đồng tình rằng, việc quản lý chi phí không đơn thuần là cắt giảm, mà là một quá trình tối ưu hóa nguồn lực một cách thông minh và chiến lược.

Tiến sĩ Trần Huy Đức khuyến nghị các nhà quản lý cần so sánh chi phí thực tế với kế hoạch, đàm phán với nhà cung cấp để có mức giá tốt hơn, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm thiểu lãng phí trong mọi quy trình và ứng dụng công nghệ tự động hóa để nâng cao hiệu quả.

Đặc biệt, đối với chi phí nhân sự và marketing (thường chiếm tỷ trọng lớn), việc tập trung vào nâng cao năng suất và xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn là cắt giảm nhân sự một cách vội vàng.

Ông Lê Minh Thái, đại diện khách sạn Pullman Hải Phòng chia sẻ về xu hướng ứng dụng chuyển đổi số và tự động hóa quy trình vận hành, sử dụng dịch vụ thuê ngoài một cách chiến lược và xây dựng chính sách giá linh hoạt. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc dịch chuyển cơ cấu chi phí hoạt động để thích ứng với bối cảnh hiện tại.

Còn ông Lê Bá Hải Siêu đề xuất một "nước cờ" chiến lược, chuyển đổi một phần chi phí cố định sang biến phí. Điều này có thể thực hiện bằng cách xây dựng đội ngũ nhân sự đa năng, tận dụng hiệu quả thời gian làm việc và thuê ngoài các dịch vụ không cốt lõi như bán hàng trực tuyến.

Ông dẫn chứng câu chuyện linh hoạt tại Vinpearl Hạ Long, nơi nhân viên chăm sóc cây xanh có thể hỗ trợ lái xe điện khi cần, cho thấy tiềm năng to lớn của việc tối ưu hóa nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh ngành khách sạn Việt Nam đang nỗ lực phục hồi, bài toán tối ưu hóa chi phí vận hành không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc và phát triển bền vững.

Thay vì những biện pháp cắt giảm, việc áp dụng tư duy chiến lược, khai thác triệt để tiềm năng từ khâu thiết kế ban đầu, linh hoạt trong quản lý chi phí và mạnh dạn ứng dụng công nghệ, theo ông Siêu sẽ là "kim chỉ nam" dẫn dắt các khách sạn vượt qua thời bão giá.


(0) Bình luận
Không cần chờ tới thời “bão" giá, nhiều chủ khách sạn Việt Nam đã “mắc cạn" ngay từ vạch xuất phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO