Anh Vinh Trần (37 tuổi) có năng khiếu hội họa từ khi còn rất nhỏ. Sau những cuộc thi vẽ, anh dần bén duyên với lĩnh vực thiết kế đồ họa và tìm thấy đam mê với nghề này. Nhiều năm nay, anh cống hiến hết mình với đam mê, tạo ra nhiều sản phẩm đồ họa có sức ảnh hưởng lớn.
Trong suốt cuộc trò chuyện, anh Vinh kể nhiều về hành trình đầu quân cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Và lựa chọn táo bạo của anh ở tuổi 36 mở ra những hành trình mới có thuận lợi, có khó khăn nhưng cũng không kém phần thú vị!
Theo đuổi lĩnh vực thiết kế đồ họa là điều nhiều người đang hướng tới nhưng hành trình của anh Vinh Trần dường như đặc biệt hơn cả. Biết vẽ từ khi còn nhỏ xíu, lên 10 tuổi anh Vinh đã sử dụng được các phần mềm thiết kế như Photoshop, Adobe Illustrator để tạo ra những sản phẩm đầu đời.
Khác với phần đa mọi người, designer 8x lựa chọn tự học thay vì học tại các khóa học, trung tâm. Dù đã học thử khoảng 1, 2 tháng khoá multimedia nhưng anh Vinh luôn cảm thấy đó là những kiến thức lý thuyết sáo rỗng. Trong khi đó, bản thân anh đã biết tự thao tác để tạo ra những thiết kế đầu tiên, nên những lý thuyết này là không cần thiết.
Tuy nhiên, hành trình tự mày mò và khám phá cũng khiến chàng trai 8x gặp nhiều khó khăn. “Tôi gặp khó khăn về động lực tự học. Khi tự học sẽ không có ai nhắc nhở mình lúc nào phải đầu tư thời gian để học hiệu quả. Trên mạng có rất nhiều nguồn để tôi có thể học nhưng phải biết chọn lọc thông tin để thấy đâu là kiến thức tốt nhất cho mình. Vì tự học nên nhiều lúc tôi phải đi đường vòng, rất mất thời gian” - anh Vinh bộc bạch.
Kể lại thời điểm kiếm được tiền và tự chủ tài chính vào năm 20 tuổi, anh Vinh vô cùng hào hứng. Nhờ những bản thiết kế đầu tay, designer 8x tiến gần hơn với những mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp. Trong quá trình tự học và tự làm thiết kế, anh Vinh Trần luôn đặt ra 1 câu hỏi: Tại sao những thiết kế của mình chưa đạt được tới tầm cỡ quốc tế. Vì thế, anh hình thành thói quen so sánh thiết kế của mình với sản phẩm của những nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới với mong muốn mình ngày càng “lên tay”.
Và rồi, thời điểm 1 công ty công nghệ về Việt Nam tuyển nhân sự, designer 8x được giới thiệu và mời về làm Head of Design. Nghĩ kỹ, đây cũng là 1 cơ hội mà bao người ao ước nên anh Vinh quyết định thử sức ở môi trường này. Những tưởng mọi thứ sẽ suôn sẻ nhưng khi chuẩn bị lên đường sang Mỹ, anh Vinh phát hiện vị trí Head of Design của mình không còn tồn tại. Khi tới Mỹ, người đàn ông này rơi vào tình cảnh “thẫn thờ, hoang mang, không biết mình sẽ đi đâu về đâu”.
Trong trí nhớ của anh Vinh, “mọi thứ ở San Francisco đều quá đắt đỏ, nhà 1 phòng ngủ phải thuê với giá $2500/tháng (khoảng 59 triệu đồng) nên tôi không có điều kiện. Tôi muốn giảm tối đa chi phí ăn ở nên thuê phòng chung với người khác, tốn $800 mỗi tháng (19 triệu đồng)”. Chưa kể, đặt chân tới Mỹ nhưng lại không có việc làm nên anh Vinh đành nhờ đồng nghiệp cũ ở Việt Nam giới thiệu cho 1 người bạn làm việc tại Mỹ. Sau buổi trò chuyện với người này, anh “ghi điểm” và may mắn được giới thiệu vào công ty phỏng vấn với CEO. Đó cũng là cơ hội đầu tiên của anh trên đất Mỹ.
Nhiều năm sống ở nơi đất khách quê người, chàng trai 8x chứng minh được năng lực bản thân ở lĩnh vực thiết kế đồ họa. Ngã rẽ lớn nhất trong sự nghiệp của anh Vinh có lẽ là lúc được mời về làm việc cho “ông lớn” Google. Anh Vinh trở thành người Việt đầu tiên không có bằng cấp trong team Product Global của tập đoàn hàng đầu thế giới Google.
Làm việc tại tập đoàn hàng đầu thế giới, lại không qua trường lớp đào tạo nên ban đầu anh Vinh nhận sự đánh giá không mấy thiện chí từ đồng sự. Theo lời anh kể, “đó là người xuất sắc lại đi theo con đường học hành chính thống (tốt nghiệp cấp 3 và đậu vào cả 2 trường danh giá là Harvard và MIT), trong khi tôi hoàn toàn ngược lại. Vì thế thời gian đầu tôi khá tự ti, tuy nhiên sau quá trình làm việc cùng nhau, bạn ấy và tôi đã hiểu nhau hơn, tới nay vẫn là những người bạn thân thiết”.
Vì không có bằng cấp nên khi tới các công ty nước ngoài, anh Vinh đều được “chú ý” hơn cả. Tuy nhiên, đối mặt với những câu hỏi từ phía công ty, tập đoàn lớn, designer người Việt luôn khẳng định: Thế giới thay đổi nhanh như vậy thì sách vở nào có thể in cho kịp? Không có cách học nào nhớ lâu bằng chính thất bại và cách mình vượt qua khó khăn.
Được tập đoàn hàng đầu thế giới tin tưởng, anh Vinh Trần nhận mức lương ấn tượng khi làm việc tại đây. Anh chia sẻ, thu nhập mà mình nhận được khi “đầu quân” cho Google là 6 con số.
Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, cả thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đó cũng là lúc anh Vinh Trần phải ở trong nhà suốt 4 tháng trời vì cách ly xã hội. Từ khi cha mẹ ly hôn năm lên 8, anh Vinh đã mắc bệnh trầm cảm nên lúc này căn bệnh dần trở nặng, tạo nên nhiều áp lực cho anh. “Đây là lúc tôi bỗng nhiên đối diện với cuộc đời cá nhân của mình và dẫn đến trầm cảm nặng hơn. Có lẽ sự ngừng lại của thế giới trong lúc đó làm cho tôi thấy dù mình có làm đến đâu, khi ngừng làm việc câu hỏi mình thuộc về đâu lại quay về. Lúc ấy tôi thấy rất thất vọng và nghĩ mình đã trốn trong công việc quá lâu, khi công việc ngừng lại tôi thấy cuộc sống thật tẻ nhạt” - designer 37 tuổi kể lại.
Trong lúc đó, tập đoàn công nghệ Meta (trước đó là Facebook) đã liên tiếp gửi lời mời làm việc cho anh Vinh Trần. Sau 7 lần từ chối, anh quyết định nhận lời sang làm ở Meta. “Tôi nghĩ ở công ty lớn nhất thế giới về mạng xã hội tôi có thể tiếp cận yếu tố xã hội. Hàn gắn và kết nối là điều tôi muốn đi tìm cho bản thân lúc bấy giờ” - anh Vinh tâm sự.
Sau khi làm việc ở Meta, anh nhận thấy trốn tránh bệnh tật bằng cách làm việc chỉ khiến mọi thứ tệ dần đi. Bệnh của anh càng lúc càng nặng, anh phải sử dụng thuốc theo lời bác sĩ. Tuy nhiên, mỗi khi uống thuốc cơ thể lại bị phản tác dụng khiến anh mất hết cảm xúc. Thuốc cũng làm ảnh hưởng tới năng suất công việc. Vì thế, anh cảm thấy rất xấu hổ, đành chủ động xin nghỉ phép để không ảnh hưởng lớn tới tập thể.
Thời điểm đối mặt với bệnh tật, đã có lúc anh Vinh Trần nghĩ đến việc tự sát. Thế nhưng cũng chính lúc khó khăn nhất, anh lại đưa ra 1 quyết định táo bạo. “Tôi tự hỏi chẳng lẽ cả đời mình vẫn không thoát được gánh nặng nội tâm. Lúc đau khổ nhìn vào trong gương, tôi thấy được những lỗ hổng của mình, chính tấm gương đã thể hiện tất cả.
Lúc ấy tôi nghĩ, nếu mình có mất đi, hãy để lại một bài học cho đời để không còn ai giống mình trong tương lai. Từ đó tôi nảy ra ý định thành lập Murror - 1 công ty sử dụng AI để hỗ trợ người mắc trầm cảm. Murror lấy ý tưởng từ chữ Mirror (tấm gương), sau đó đổi thành tên Murror là một trí thông minh nhân tạo giúp người dùng khám phá bản thân.
Tôi đã bắt đầu hành trình của mình bằng cách đó. Hành trình này có thể kéo dài đến cuối đời để giúp đỡ những người trầm cảm và gặp vấn đề về tâm lý. Đây không phải là một công ty bắt nguồn từ tư duy làm giàu, mà bắt đầu từ một câu chuyện rất cá nhân. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm nên tôi biết những người bệnh rất cần được giúp đỡ”.
Chia sẻ về “đứa con tinh thần” cũng như hành trình trở thành CEO của mình, anh Vinh thẳng thắn: “Theo thống kê, rất nhiều người bị trầm cảm không muốn nói ra vấn đề nội tâm của mình vì sợ bị đánh giá hoặc làm phiền những người xung quanh. Murror dùng AI để lắng nghe tâm sự của người bị trầm cảm và chia sẻ cho họ cách nhìn nhận vấn đề. Có thể đó là góc nhìn tích cực hơn về một sự việc.
Hơn nữa, số lượng bác sĩ tâm lý ở Mỹ rất ít trong khi người cần sự giúp đỡ thì rất nhiều nên AI có thể hỗ trợ người dùng bất cứ lúc nào. Murror sản xuất các bài tập về thiền, yoga và giúp người dùng tạo ra những thói quen sống khỏe mạnh về tinh thần”.
Những ngày đầu thành lập công ty, bản thân CEO 37 tuổi cũng cảm thấy áp lực. Là 1 người mắc trầm cảm nhưng anh thường xuyên lắng nghe những tâm sự, những câu chuyện tiêu cực từ người khác. Thậm chí, nhiều người còn nhắc với anh về tự sát. Thế nhưng bản thân anh Vinh hiểu rằng mình là người tiên phong tìm ra giải pháp để người trầm cảm có trải nghiệm tích cực hơn nên không được gục ngã. Anh đấu tranh với chính căn bệnh mình đang mắc phải và không cho phép mình bỏ cuộc.
Anh Vinh không giấu được sự vui mừng khi kể về những gì mà Murror đã đạt được trong những tháng ngày qua. “Chỉ trong vòng 2 ngày đầu thành lập, số lượng người truy cập website đã lên đến 20.000. Công ty cũng đã kêu gọi được một số vốn nhất định từ những người trong ngành y tế ở Mỹ để vận hành.
Murror trở thành AI thông minh nhất trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần trên thế giới là điều tôi muốn đạt được. Tôi mong nhiều người có thể nhận được sự giúp đỡ từ Murror với mức kinh phí thấp nhất. Hiện tại Murror đang tập trung vào thị trường ở Mỹ nhưng sẽ mở rộng sang nhiều nước khác trong tương lai. Bên cạnh đó cũng còn nhiều yếu tố khác nhưng lúc này tôi chưa tiện chia sẻ vì bảo mật thông tin”.