Khối ngoại miệt mài mua ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam từ đầu năm 2023

Phương Linh | 21:47 28/01/2023

Nếu chỉ tính trên kênh khớp lệnh thì giá trị mua ròng của khối ngoại xấp xỉ 6.500 tỷ đồng.

Khối ngoại miệt mài mua ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam từ đầu năm 2023

Sau năm mua ròng kỷ lục 2022, mạch "gom hàng" của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính từ đầu năm 2023 tới hết phiên 27/1, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 3.514 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, nếu chỉ tính trên kênh khớp lệnh thì giá trị mua ròng của khối ngoại xấp xỉ 6.500 tỷ đồng, gần bằng nửa lượng mua ròng trong tháng 12/2022 liền trước. Song, giao dịch bán ròng thoả thuận tại cổ phiếu Eximbank (EIB) với hơn 3.300 tỷ đồng đã thu hẹp đáng kể đà mua ròng chung.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, trong gần 1 tháng đầu năm 2023, khối ngoại tỏ ra ưa thích cổ phiếu HPG khi mua ròng gần 990 tỷ đồng, bỏ xa phần còn lại. Khối ngoại thậm chí ghi nhận mạch mua ròng 22/23 phiên gần nhất. Đây được xem là một trong những yếu tố tích cực hiếm hoi đối với cổ phiếu "vua thép", trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố khoản lỗ ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022, vượt xa mọi dự báo của giới phân tích trước đó và là quý lỗ nặng nhất của Hoà Phát. Một phần nhờ dòng vốn ngoại chảy vào, thị giá HPG tăng hơn 19% sau chưa đầy 1 tháng giao dịch, chốt phiên 27/1 đạt 21.500 đồng/cp.

Bên cạnh đó, mã cổ phiếu VIC và SSI cũng được khối ngoại "gom" tại mỗi cổ phiếu hơn 450 tỷ đồng trong gần 1 tháng qua. Thị giá VIC tăng hơn 10% so với thời điểm cuối năm 2022, tích cực hơn khi SSI tăng tới hơn 18%. Hai chứng chỉ quỹ là FUEVFVND và FUESSVFL cũng được giải ngân mua ròng lần lượt 394 tỷ đồng và 291 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu khác như VND, VRE, CTG, VHM,... cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong hơn 3 tuần đầu năm, giá trị mua ròng đều trên 280 tỷ đồng.

Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch đột biến tại cổ phiếu ngân hàng EIB với giá trị bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng. Đây là giao dịch bán ra 132 triệu EIB tương đương gần 11% tổng số lượng cổ phần của ngân hàng này, khả năng cao đến từ Ngân hàng Sumitomo (SMBC) sau quyết định chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược với Eximbank. Giá trị bán ròng trăm tỷ cũng được ghi nhận tại hai mã ngành phân bón hóa chất là DGC và DPM. Giá hai cổ phiếu này từ đầu năm 2023 vận động không quá nổi bật, thị giá DGC gần như đi ngang trong khi DPM cũng giảm nhẹ gần 2%.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại giải ngân mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Yếu tố tiên quyết được cho là do định giá thị trường đã về mức hợp lý với chiến lược đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, kỳ vọng nâng hạng cũng giúp TTCK Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau giai đoạn bán ròng triền miên. Đặc biệt, các quỹ ETF đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Fubon FTSE Vietnam ETF – thỏi nam châm hút tiền từ khu vực Đông Á hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích là những ví dụ điển hình.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức hợp lý (+5,5%), bất chấp xuất khẩu cả năm có thể giảm 5%. Các khoản đầu tư công của Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và nhu cầu của người tiêu dùng tư nhân cũng sẽ tăng lên theo từng năm. Theo người đứng đầy quỹ PYN Elite, định giá của thị trường chứng khoán đang rất hấp dẫn, mang lại lợi nhuận tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn. Ông Petri Deryng kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.450 điểm vào cuối năm 2023.


(0) Bình luận
Khối ngoại miệt mài mua ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam từ đầu năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO