Khó thu hồi tài sản tham nhũng

Hải Sơn | 15:33 04/09/2024

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, theo TTCP, hiện chỉ có 4 trường hợp bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực và công tác thu hồi tài sản vẫn còn hạn chế.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng
Theo TTCP, hiện chỉ có 4 trường hợp bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực và công tác thu hồi tài sản vẫn còn hạn chế. (Ảnh: Int)

Xây dựng dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập

Cụ thể, cử tri TP Đà Nẵng phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện hằng năm và nộp về cơ quan có thẩm quyền quản lý theoNghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp sau khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện ra khối tài sản rất lớn, không kê khai, không rõ nguồn gốc. Theo đó, cử tri kiến nghị cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc hơn vấn đề này.

Trước vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, kiểm soát tài sản và thu nhập hiệu quả là một giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng và tiêu cực, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều quy định và biện pháp để quản lý kê khai tài sản, xác minh tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 130/2020/NĐ-CP, Quyết định số 56 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cũng như Quyết định số 390 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập".

Đây là dữ liệu quan trọng trong phòng chống tham nhũng nhằm hiện đại hoá, chuyển đổi số công tác kiểm soát thu nhập. Từ cơ sở này sẽ góp phần phòng ngừa, phát hiện, và xử lý tham nhũng thông qua việc cập nhật, lưu trữ, bảo vệ và cung cấp chính xác các thông tin về kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu liên quan.

Hiện TTCP đang nỗ lực thực hiện Đề án 390 và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và thu nhập trên toàn quốc, đồng thời thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, và các quy định liên quan. TTCP đã ban hành văn bản hướng dẫn, và các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập theo hình thức chọn ngẫu nhiên.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, có 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Trong thời gian tới, TTCP và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm soát tài sản và thu nhập của những người có chức vụ và quyền hạn theo quy định.

Xử lý nhiều, thu hồi ít

Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng về biện pháp, chế tài để thu hồi tài sản tham nhũng cũng như có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn...

Trả lời vấn đề này, TTCP cho biết trong những năm qua, nhiều biện pháp thu hồi tài sản đã được áp dụng cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản của các đối tượng tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hoá tài sản tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

Kết quả công tác xử lý sau thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2024: toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.688 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 1.704 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện, cơ quan chức năng đã thu hồi 760,8 tỷ đồng, 18ha đất, xử lý hành chính 852 tổ chức, 3.326 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 327 vụ, 70 đối tượng, khởi tố 9 vụ, 14 đối tượng.

Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng. Nguyên nhân là do số tiền thu hồi rất lớn, người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc bị tẩu tán, che giấu, hoặc pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khó thu hồi tài sản tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO