Khó đòi nợ, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nêu đề xuất để ngân hàng không rơi vào cảnh ‘cho vay thì đứng mà đòi nợ thì quỳ’

Bình An | 08:45 24/09/2024

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã không còn hiệu lực. Vì thế, hiện tại không có văn bản pháp quy nào hỗ trợ việc thu hồi nợ nhanh chóng, dứt điểm và đúng pháp luật, khiến những người làm công tác thu hồi nợ có khả năng vi phạm vào những quy định của pháp luật và dễ bị xử lý hình sự, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú nêu.

Khó đòi nợ, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nêu đề xuất để ngân hàng không rơi vào cảnh ‘cho vay thì đứng mà đòi nợ thì quỳ’
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú. Ảnh: VGP.

Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – nêu một vướng mắc và kiến nghị đề xuất với các cơ quan quản lý.

Theo ông Đỗ Minh Phú, một điểm khó khăn khá phổ biến của các ngân hàng hiện nay là thu hồi nợ. Chủ tịch HĐQT TPBank phân tích: Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã không còn hiệu lực. Vì thế, hiện tại không có văn bản pháp quy nào hỗ trợ việc thu hồi nợ nhanh chóng, dứt điểm và đúng pháp luật. Do đó, khiến cho chính những người làm công tác thu hồi nợ có khả năng vi phạm vào những quy định của pháp luật và dễ bị xử lý hình sự.

Chủ tịch TPBank kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền, có hình thức yêu cầu những người vay tăng tính chịu trách nhiệm với khoản vay nợ, để ngân hàng không rơi vào cảnh "cho vay thì đứng mà đòi nợ thì quỳ".

Đồng thời, cần sớm bổ sung các quy định pháp luật để người đi vay phải chịu trách nhiệm cao hơn với khoản vay của mình.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo, khắc phục tình trạng giải quyết thủ tục tố tụng kéo dài, khiến ngân hàng gặp khó khăn.

Nghị quyết 42 hết hiệu lực cũng là vướng mắc của Ngân hàng quốc tế (VIB), Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết, đặc biệt trong bối cảnh Luật các tổ chức tín dụng mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, khiến khó xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.

vib(1).jpg
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ. Ảnh: VGP.

Theo ông Vỹ, các tổ chức tín dụng không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2015.

Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.

Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho tổ chức tín dụng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.

Theo thông tin từ Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 16/9/2024 đạt 7,26% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối NHTMCP tư nhân tăng 8,48%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Khối NHTMCP tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu 7,77%.

Với một số khó khăn, hạn chế mà ngân hàng thương mại phải đối mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu để giải quyết một số khó khăn liên quan việc thu hồi nợ, tài sản bảo đảm cho vay, phạt chậm nộp thuế…, từ nay đến 25/9, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Chính phủ, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 sắp tới.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng và đại diện NHTM cổ phần trao đổi cởi mở bên lề sự kiện. Ảnh: VGP.

Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện "6 tăng", "6 giảm", "6 tăng tốc, bứt phá".

Theo đó, "6 tăng" gồm: Tăng năng lực của tổ chức tín dụng ngân hàng, trong đó có các NHTM cổ phần tư nhân; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụn g; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"6 giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau" và giảm nợ xấu…

"6 tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế; tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.

Đối với các NHTM cổ phần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.


(0) Bình luận
Khó đòi nợ, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nêu đề xuất để ngân hàng không rơi vào cảnh ‘cho vay thì đứng mà đòi nợ thì quỳ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO