Theo tờ Asian Nikkei Review, thị trường xuất khẩu lúa gạo lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan đang phải đau đầu khi người nông dân nước này chuộng giống lúa từ Việt Nam hơn.
Bất chấp những quy định bảo vệ thương hiệu lúa trong nước, nhiều nông dân Thái Lan vẫn âm thầm chuyển sang trồng giống lúa từ Việt Nam với giá rẻ hơn, dễ trồng hơn, có độ dẻo tương tự và được nhiều người dùng ưa chuộng.
“Hơn 1 triệu Rai, tương đương hơn 160.000 ha ruộng lúa tại vùng trung tâm Thái Lan hiện đã trở thành nơi canh tác giống lúa của Việt Nam”, Chủ tịch Charoen Laothamatas của Hiệp hội xuất khẩu lúa gạo Thái Lan (TREA) ước tính.
Cũng theo ông Charoen, hiện chẳng có ai phân biệt chính xác được đâu là giống lúa Thái Lan và đâu là giống từ Việt Nam. Những số liệu trên thu thập được đều là nhờ việc trò chuyện, khảo sát với các nhà máy xay xát địa phương, nông dân và lái buôn.
Dù không thể phân biệt chính xác nhưng tờ Nikkei nhận định sự bành trướng của giống lúa Việt tại Thái Lan đã gióng lên câu hỏi cho niềm tự hào về bảo tồn thương hiệu, lúa gạo thật thuần địa phương với chất lượng cao mà xứ sở chùa vàng từng quảng bá nhiều năm.
“Nếu chúng ta không có hành động thì tôi nghĩ toàn bộ ngành lúa gạo sẽ gặp nguy hiểm, nhất là khi chúng ta luôn quảng bá về chất lượng gạo xuất khẩu. Làm thế nào để duy trì chất lượng cũng như nguồn gốc giống lúa là câu hỏi để có thể đảm bảo vị thế nhà xuất khẩu lúa gạo lớn trên thế giới của Thái Lan”, ông Charoen nhấn mạnh.
Giống tốt
Theo Nikkei, Thái Lan có Đạo luật bảo vệ giống lúa (PVPA) khá nghiêm ngặt với việc cấm nhập khẩu giống những cây trồng chủ lực chính. Bởi vậy tất cả những giống lúa Việt Nam trồng trên đất Thái Lan là hàng nhập lậu, phạm pháp.
Tuy nhiên do chẳng có ai phân biệt được đâu là hàng thật và hàng nhập nên người nông dân Thái Lan vẫn phớt lờ các quy định.
“Đây là giống lúa tốt, có thể canh tác dễ dàng và rất khỏe. Chúng có thể chống chịu lại sâu bệnh, hạt có độ dẻo, phù hợp với nhu cầu thị trường”, anh nông dân Srichan Kanta (đã đổi tên) tại tỉnh Nakhonsawan, cách thủ đô Bangkok 240km về phía bắc, cho biết.
Tờ Nikkei nhận định giống lúa Việt Nam thường được nông dân Thái Lan sử dụng là Jasmine 85, loại sản phẩm có thể cho thu hoạch chỉ trong 90 ngày. Lợi thế này giúp người nông dân dễ dàng thu hoạch nhiều vụ mỗi năm, nhất là ở miền trung Thái Lan, nơi có hệ thống tưới tiêu tốt, qua đó cho phép canh tác quanh năm.
Trái ngược lại, giống lúa Thái bản địa thì lại khó trồng hơn, đặc biệt là những giống nổi tiếng như Hom Mali. Dù cho hạt gạo thơm hơn nhưng Hom Mali lại tốn đến 120 ngày mới có thể thu hoạch và chỉ được trồng ở một số khu vực miền núi phía bắc Thái Lan mỗi năm một lần tùy vào lượng mưa.
Hiện chưa rõ giống lúa Việt Nam được tuồn vào Thái Lan từ khi nào nhưng ông Charoen ước đoán khoảng 160.000ha tại miền trung Thái Lan đã chuyển đổi trong vài năm trở lại đây. Những hạt giống được chở bằng xe tải nhập lậu do nhu cầu của người nông dân tăng cao khi họ tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ, cho năng suất tốt và đem về lợi nhuận.
Gay gắt
Tờ Nikkei nhận định sự bảo hộ của Thái Lan với giống lúa gạo cũng không thể ngăn được đà cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Trong hơn 30 năm, Thái Lan đã là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, vậy nhưng danh hiệu đó đã bị mất vào năm 2011.
Hiện nay, Ấn Độ mới là nước đứng đầu về xuất khẩu gạo với khoảng 22 triệu tấn trong năm 2022. Thái Lan chỉ có thể đứng thứ 2 cùng với Việt Nam. Cả 2 nước này ước tính xuất khẩu tương ứng 7 triệu và 7,5 triệu tấn lúa gạo trong năm qua.
Theo Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI), cuộc cạnh tranh của Thái Lan với Việt Nam là khá gay gắt bởi xứ sở chùa vàng không thể cung cấp cho thị trường nhiều loại gạo ở các phân khúc giá khác nhau mà thị trường mong muốn.
Bởi vậy, việc giống lúa Việt Nam xâm nhập được vào thị trường nội địa chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
“Đây là vấn đề lớn nếu Thái Lan không thể phát triển giống lúa của riêng mình nhằm đáp ứng các phân khúc giá khác nhau của thị trường quốc tế, thậm chí còn để giống lạ làm ‘ô nhiễm’ gạo xuất khẩu”, một lái buôn cho thị trường quốc tế tại Thái Lan nói với Nikkei.
Mặc dù nhận nhiều chỉ trích nhưng Bộ nông nghiệp Thái Lan lại cho biết họ đã phát triển 171 giống lúa khác nhau ở nhiều phân khúc, từ lúa gạo xịn cho các nhà hàng đến loại giá rẻ đều có.
“Vấn đề là chúng ra không có sự hợp tác để phân phối các giống lúa này cho nông dân với mức giá cạnh tranh để sản xuất số lượng lớn”, một chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu Kasikorn nhận định.
“Sản lượng yếu hơn là một bất lợi khiến giống lúa của Thái Lan thất thế với những đối thủ khác trên chính sân nhà”, TDRI ghi rõ trong báo cáo.
Theo TREA, sản lượng giống lúa Thái Lan chỉ cho khoảng 300-400kg trên mỗi Rai (tương đương 0,16ha), trong khi giống Thái Lan và Ấn Độ là khoảng 800kg/Rai. Ngay cả giống lúa Lào cũng cho đến 500 kg/Rai.
*Nguồn: Nikkei Asian Review