"Kem this kem that" của thương hiệu nổi tiếng Tràng Tiền: tên na ná nhau, làm nhái kém chất lượng nhưng vẫn được nhiều người mua

Khánh Vy | 10:14 27/04/2023

Sau vụ dùng 10 tấn sữa đặc hết hạn để làm kem vừa được phát hiện gần đây, nhiều người “giật mình”, hóa ra thương hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng vẫn luôn bị làm nhái một cách tràn lan.

"Kem this kem that" của thương hiệu nổi tiếng Tràng Tiền: tên na ná nhau, làm nhái kém chất lượng nhưng vẫn được nhiều người mua

Kem Tràng Tiền là thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội. Không chỉ là món giải nhiệt ngày hè mà đây còn là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành.

Vì là thương hiệu “quốc dân", có sức hút với người mua, thương hiệu Kem Tràng Tiền thường xuyên bị các đơn vị khác lợi dụng để làm nhái, tạo ra sản phẩm kém chất lượng, tạo ra nguồn thu lợi bất chính.

Như mới đây, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết ngày 25/4, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Cục QLTT TP Hà Nội và Ban chỉ đạo 389 huyện Thanh Trì, Đội QLTT số 7 đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).

Chủ công ty này cho biết đối với mỗi que kem thành phẩm được cơ sở bán ra với giá 1.800 đồng/cây. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm: 9.360 hộp (1 kg/hộp) tương đương 9,36 tấn; 30.000 cây kem thành phẩm. Tổng trị giá lô hàng khoảng 360 triệu đồng.

Thông tin trên khiến nhiều người bàn tán và lo ngại vì kem Tràng Tiền là một sản phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng lại được làm giả một cách tràn lan.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm kem sử dụng nhãn hiệu "Tràng Tiền" na ná nhau, dễ gây nhầm lẫn như Tràng Tiền số 1, kem Tràng Tiền số 10, kem Tràng Tiền Plaza, Kem 35 của CTCP Tràng Tiền Tràng Tiền 35,...

Các loại kem có in chữ Tràng Tiền xuất hiện trên thị trường đã gây bối rối cho người tiêu dùng, kèm theo đó là cả những hệ lụy dẫn đến từ các loại kem rởm này như: Bao bì in ngày sản xuất sau cả thời điểm bán hàng, kem bán có ruồi chết bên trong hay khách hàng bị ngộ độc sau khi ăn kem...

Tiêu biểu là vụ việc xảy ra vào năm 2010, Hà Nội có 5 người bị ngộ độc khi ăn kem Tràng Tiền của công ty Kem Idea Tràng Tiền hay vụ việc một khách hàng mua kem Tràng Tiền do Công ty cổ phần kem Tràng Tiền 35 sản xuất có nhân ruồi bên trong.

kem-sua-dua-c13.jpg
Kem tràng tiền số 1
image_60b5e65eef06a_kem.jpg
Kem 35 của CTCP Tràng Tiền Tràng Tiền 35

Giá bán của các loại kem gắn nhãn Tràng Tiền thường thấp hơn giá bán sản phẩm kem của công ty cổ phần Kem Tràng Tiền "chính chủ". Mức giá phổ biến dao động từ 1.000-3.000 đồng/cái, tùy loại kem sữa dừa, cốm, socola… Trên trang web của các nhãn hiệu 'nhái', sản phẩm còn không có giá bán rõ ràng mà khá mập mờ và chỉ ghi chữ 'Liên hệ'.

screenshot-699-.png
Kem Tràng Tiền số 10.

Trong khi đó, nếu so sánh, một cây kem sữa dừa của Kem Tràng Tiền "chính gốc" được niêm yết trên webiste có giá 12.000 đồng/sản phẩm, tức đắt gấp gần 7 lần kem Tràng Tiền số 10 nói trên. 

screenshot-701-.png
Kem Tràng Tiền

Mặc dù công ty kem Tràng Tiền chính gốc đã làm việc với các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục quản lý Thị trường hay Công An Kinh tế… để có những biện pháp tích cực xử phạt, xử lý các địa chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm trên nhưng cho đến thời điểm này, các loại kem Tràng Tiền nhái vẫn tồn tại, bày bán nhan nhản với mẫu mã bắt chước giống y hệt kem chính hiệu.

kem-trang-tien-7013.jpg

Từ năm 2020, Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt với hàng giả, hàng nhái.

Về bao bì, các hộp kem chính hãng có in logo là hình ảnh cây kem que cách điệu cùng dòng chữ “KEM TRÀNG TIỀN since 1958”. Cùng với dấu đóng thương hiệu độc quyền và mã QR để người tiêu dùng quét trên điện thoại, dẫn ra website chính thức (https://kemtrangtien.vn/) cũng là hai dấu hiệu làm tăng thêm sự uy tín của hãng kem 65 năm lịch sử này. 

Đặc biệt, việc in liền 3 chữ “Kem Tràng Tiền” đã được bảo hộ bản quyền tổng thể theo luật sở hữu trí tuệ. Nếu in 3 chữ “Kem Tràng Tiền” liền nhau sẽ vi phạm luật nên nhiều địa chỉ làm giả chỉ có thể ghi tên kem đậu xanh hay kem cốm,… rồi ghi tên công ty Tràng Tiền.

Về giao diện, các cửa hàng Kem Tràng Tiền chính hãng có màu xanh, sử dụng logo chuẩn và các biển hiệu mang tên “KEM TRÀNG TIỀN since 1958”. Các nơi không có đầy đủ những yếu tố này đều không liên quan đến kem Tràng Tiền chính hãng.

edit-196-pr-4-kem-trang-tien-kenh-14-docx-1592814310617-1595954363.png

Đại diện Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền cho biết: "Thương hiệu Kem Tràng Tiền với toàn bộ nhận diện thương hiệu được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Chúng tôi luôn nỗ lực để bảo vệ thương hiệu, vì đây còn là hình ảnh của Thủ đô, của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Các sản phẩm luôn đạt các tiêu chuẩn chất lượng, quy trình nhập nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… đều được triển khai và giám sát theo các quy định hiện hành.”

Bên cạnh đó, để tăng tính nhận diện thương hiệu, Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội tham gia một số giải chạy để giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện thương hiệu Kem Tràng Tiền hơn.


(0) Bình luận
"Kem this kem that" của thương hiệu nổi tiếng Tràng Tiền: tên na ná nhau, làm nhái kém chất lượng nhưng vẫn được nhiều người mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO