Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai sở hữu “vị trí vàng” với ba mặt giáp sông (sông Sài Gòn), đồng thời nằm ngay trung tâm khu tam giác kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế.
Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp thuộc hàng đầu của tỉnh Đồng Nai. Với ba khu công nghiệp lúc khởi đầu vào năm 1997, đến nay sau hơn 25 năm, huyện Nhơn Trạch đã có tổng cộng 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Bên cạnh phát triển công nghiệp, cảng biển là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế. Trong số ba khu bến cảng biển trên địa bàn Đồng Nai, Nhơn Trạch có đến hai khu bến cảng biển. Huyện Nhơn Trạch cũng là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, cảng Phước An với quy mô gần 800ha, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, là cảng biển lớn nhất Đồng Nai được dự kiến khai thác vào quý 3/2024. Cảng Phước An được chia thành các phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Đây là cảng biển lớn nhất tỉnh nằm trong nhóm cảng biển số 5 - hệ thống cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu..
Đối với phân khu cảng có tổng diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050 mét, gồm 6 bến container, 4 bến tổng hợp có khả năng đón tàu có tải trọng 60 ngàn DWT. Khi đi vào hoạt động, Cảng Phước An có khả năng khai thác đồng thời hàng container và hàng tổng hợp, đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 30-60 ngàn DWT.
Với quy mô, năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs (1 TEUs tương đương container 20 feet) và 4 triệu tấn hàng hóa tổng hợp/năm. Trong giai đoạn 1, cảng Phước An sẽ đưa vào vận hành, khai thác 2 cầu cảng từ quý 3/2024.
Ngoài khu cảng, khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng Phước An có diện tích 550 hécta được quy hoạch hệ thống dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… phục vụ các hoạt động giao thông - vận tải, logistics cho khu vực cảng Phước An đến các khu công nghiệp trong khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự kiến, khi cảng Phước An đi vào hoạt động, chi phí vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp khu vực Nhơn Trạch sẽ giảm do đường từ cảng Phước An có thể đi thẳng ra 10 khu công nghiệp ở Nhơn Trạch. Ngoài ra, cảng Phước An còn tạo điều kiện đối với các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp như: ở huyện Long Thành, thành phố Biên Hòa, huyện Thống Nhất…giảm chi phí vận tải do đoạn đường vận chuyển ngắn thay vì phải đi từ các cảng Cát Lái, Cái Mép.
Ngoài ra, trong và ngoài khu vực cầu, cảng Phước An, hệ thống giao thông như: đường vành đai 3, đường liên cảng, cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu… đang được triển khai xây dựng phát triển tương xứng theo nhịp độ phát triển của hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất, các kho bãi, Sân bay quốc tế Long Thành và các cảng biển.
Mới đây, Quyết định số 586/QĐ-TTg về Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước.
Trong phương án xây dựng vùng huyện và các đô thị thuộc tỉnh, đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai có 4 thành phố gồm 2 thành phố hiện hữu là Biên Hòa, Long Khánh và 2 thành phố mới là Long Thành, Nhơn Trạch, 1 thị xã (Trảng Bom) và 6 huyện.
Theo quy hoạch, tại huyện Nhơn Trạch phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm TPHCM; phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Cảng HKQT Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.