Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang nỗ lực thanh toán các khoản nợ, thậm chí thanh toán trước hạn, nhưng các khoản lãi vay vẫn không ngừng tăng lên trong nhiều năm qua.
Tính đến giữa năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai có số dư nợ gốc vay hơn 9.000 tỷ đồng, giảm quá nửa so với một năm rưỡi trước đó (cuối năm 2020). Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng giảm nợ vay là xu hướng tăng lên không ngừng của khoản mục lãi vay phải trả.
Lãi vay phải trả cuối quý II/2022 của Hoàng Anh Gia Lai lên tới 4.020 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm và tương đương 44% nợ gốc vay tại cùng thời điểm.
Chi phí lãi vay ngắn và dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai (đơn vị: tỷ đồng)
Tương quan chi phí lãi vay và Nợ vay gốc của Hoàng Anh Gia Lai (đơn vị: Tỷ đồng)
Sau khi trả nợ trước hạn cho BIDV, nợ vay của công ty cũng giảm hơn 600 tỷ đồng xuống còn hơn 8.400 tỷ đồng chưa tính lãi vay. Nếu tính cả chi phí lãi vay, nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai lên tới 12.436 tỷ đồng - vẫn rất cao so với tổng tài sản 19.254 tỷ đồng.
Công ty đang tập trung mọi nguồn lực để thanh toán các khoản nợ vay. Việc giảm số dư nợ vay giúp Hoàng Anh Gia Lai cải thiện các chỉ số tài chính liên quan, đồng thời kiểm soát lãi vay, là con số phụ thuộc vào nợ gốc. Nếu chậm trả các khoản nợ gốc, Hoàng Anh Gia Lai có thể bị áp lãi phạt theo quy định.
Tuy vậy, việc lãi vay chưa được kiểm soát tốt cho thấy các nguồn lực tài chính của Hoàng Anh Gia Lai vẫn hết sức hạn chế, và thanh toán lãi vay chưa được công ty đặt ưu tiên hàng đầu. Về nguyên tắc, các khoản lãi vay phải trả không bị áp lãi, tức không tính toán “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Vòng xoáy vay nợ chưa kết thúc
Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố thông tin về việc trả trước hạn hơn 600 tỷ đồng trái phiếu công ty đã phát hành năm 2016 cho BIDV. Số tiền này được công ty lấy từ công ty liên quan là Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Với việc trả nợ trái phiếu trước hạn (mua lại trái phiếu), dư nợ trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai tại BIDV còn 5.271 tỷ đồng.
Việc thanh toán nợ trước hạn với BIDV mang tính tái cấu trúc nguồn vốn hơn là bức tranh sáng về tình hình kinh doanh cũng như nguồn tiền thu về của công ty, cho dù tình hình kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai vẫn được đánh giá khả quan.
Đáng chú ý, ngay sau khi thu xếp khoản vay trái phiếu với BIDV và Hoàng Anh Gia Lai Agrico, Hoàng Anh Gia Lai tái khởi động kế hoạch phát hành cổ phiếu để thu hút vốn. Công ty sẽ thu về khoảng 1.700 tỷ đồng nếu đợt phát hành riêng lẻ thành công. Trong đó, 500 tỷ đồng lại tiếp tục được Hoàng Anh Gia Lai lên kế hoạch trả nợ trái phiếu trước hạn cho BIDV.
Cùng với kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Hoàng Anh Gia Lai đồng thời dùng số lượng cổ phiếu công ty này đang nắm giữ tại công ty con Pơ Lang (hơn 25 triệu cổ phiếu) để bảo lãnh thanh toán cho các khoản Pơ Lang vay từ TPBank.
Về bản chất, đây là loại hợp đồng vay với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, bởi toàn bộ khoản vay của Pơ Lang sẽ được ghi nhận vào báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai. Giá trị khoản vay được TPBank xét duyệt sẽ căn cứ vào kết quả thẩm định từ phía ngân hàng đối với giá trị cổ phiếu Pơ Lang.
Khi vòng xoáy nợ vay chưa thể kết thúc trong tương lai gần - khoảng vài năm trở lại, thì khả năng chi phí lãi vay của Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên. Gánh nặng nợ nần trên vai Hoàng Anh Gia Lai vì vậy chưa thể kết thúc trong một sáng một chiều.