"Hiệu ứng bánh đà" trong mô hình của Amazon Prime và cách Gojek Việt Nam học theo

Nam Trần - Mai Ly | 15:08 30/11/2022

Flywheel Effect (Hiệu ứng Bánh đà) là một “công thức thành công” được tác giả Jim Collins nêu trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại”. Trong đó, ông mô tả quá trình các công ty không ngừng xoay các “bánh đà”, từng vòng nhỏ tạo đà cho vòng sau và cuối cùng sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho doanh nghiệp, giúp họ “trở nên vĩ đại”.

"Hiệu ứng bánh đà" trong mô hình của Amazon Prime và cách Gojek Việt Nam học theo

Amazon là một ví dụ điển hình cho công thức này, từ một trang web bán sách vươn lên trở thành một trong những tập đoàn công nghệ có giá trị nhất lịch sử. Trong thành công đó, sáng kiến Amazon Prime của nhà sáng lập Jeff Bezos chính là "bánh đà" lớn nhất cho thành công của tập đoàn.

Là một gói ưu đãi cho phép người dùng sử dụng một loạt các dịch vụ và chiết khấu hấp dẫn chỉ với 99 USD/năm, Amazon Prime đến nay đã thu hút khoảng 100 triệu người dùng và được có thể lên đến 275 triệu người trong 10 năm tới.

Công thức giúp Jeff Bezos xây dựng đế chế tỉ đô (Ảnh: medium.com)

Điểm thành công nhất của Prime là đã khiến người dùng không thể xa rời, thậm chí tiêu xài hết mức có thể nhằm tận dụng các ưu đãi trong gói. Một nghiên cứu của Business Insider cho thấy người dùng Prime cho xu hướng chi tiêu gấp 2 lần những người không đăng ký. Nhãn "Prime" từ đó trở thành niềm mơ ước của các nhà bán hàng, là động lực để họ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng và mẫu mã đẹp hơn nhằm hấp dẫn người mua. Không chỉ gói gọn trong TMĐT, nhãn Prime còn được mở ra các lĩnh vực khác như phim ảnh và âm nhạc trong hệ sinh thái của Amazon.

Đó chính là mô hình mà Gojek đang áp dụng để xây dựng một hệ sinh thái, trong đó các "bánh đà" gồm người dùng, tài xế, nhà hàng và công ty đều có thể tăng trưởng, theo Giám đốc GoJek Việt Nam, Phùng Tuấn Đức, chia sẻ trong sự kiện VSMCamp và CSMOSummit 2022 ngày 19/11.

"Học tập mô hình của Amazon, cách tiếp cận của Gojek là làm thế nào để sự tăng trưởng của bất cứ cứ thành viên nào trong hệ sinh thái cũng sẽ mang lại giá trị cho các thành viên còn lại", ông Đức chia sẻ.

Thành viên trong hệ sinh thái mà Giám đốc Gojek Việt Nam nêu ra chính là người dùng, tài xế và các nhà hàng, xoay quanh 3 dịch vụ chính mà công ty đang triển khai tại Việt Nam gồm đặt xe công nghệ, giao hàng và giao đồ ăn.

"Đầu tiên, khi Gojek có nhiều khách hàng hơn sẽ mang lại nhiều đơn hàng hơn và gia tăng thu nhập hiệu quả hơn cho các bác tài. Ngày xưa, các bác tài chỉ đi được 4-5 cuốc xe một ngày thì nay với những nền tảng như Gojek lượng đơn hàng tăng gấp 4-5 lần là điều bình thường".

Bánh đà đầu tiên đã xoay, tạo ra động lực cho các bánh đà tiếp theo. "Và khi có nhiều bác tài hơn thì kết quả là gì? Đó là tỉ lệ hoàn thành đơn hàng sẽ cao hơn. Việc đặt xe và có xe đến với người dùng có khi chỉ trong vòng 1 phút. Tỉ lệ đó sẽ ngày càng cao hơn và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng", lãnh đạo Gojek Việt Nam nhấn mạnh.

Gojek đặt nhiều kỳ vọng vào hệ sinh thái số của mình tại Việt Nam (Ảnh: VnEconomy)

Khi người dùng và tài xế tăng lên, cơ hội tăng trưởng về doanh thu và quy mô cho các nhà hàng trong cộng đồng của Gojek cũng sẽ rộng mở, và khi nhu cầu đặt đồ ăn online đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Tất cả những yếu tố đó tạo nên quan hệ tương hỗ và là lực đẩy cho tăng trưởng.

"Số lượng khách hàng tăng lên sẽ giúp số lượng đơn cũng cao hơn. Khi các nhà hàng nhìn thấy nơi khác có được doanh thu tốt hơn, họ sẽ muốn tham gia vào hệ sinh thái của Gojek. Kết quả là, khách hàng lại thấy càng về sau càng có nhiều nhà hàng hơn, món ăn đa dạng hơn. Chính điều đó sẽ lại thu hút nhiều khách hàng hơn nữa. Điều tương tự cũng diễn ra với các tài xế"

Tuy nhiên, để xây dựng một hệ sinh thái số có quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên cần rất nhiều thời gian và nỗ lực, theo ông Phùng Tuấn Đức. Điều quan trọng nhất để bắt đầu là phải luôn bám sát với mục tiêu, mục đích của doanh nghiệp: phục vụ ai, làm thế nào – cũng là điều mà Gojek luôn coi là phương châm hoạt động.

"Khi Gojek mới thành lập, nhìn vào đối tượng khách hàng tại Đông Nam Á thì vấn đề đầu tiên của họ là kẹt xe. Thì phục vụ họ thế nào để đi cho nhanh? Nếu lúc kẹt xe tắc đường mà ngồi ô tô thì chắc rất lâu mới tới được. Như vậy di chuyển nhanh nhất là lên xe ôm, xe máy mới nhanh được. Đấy là đối tượng mục tiêu, vậy nhu cầu của họ là gì? Là di chuyển thật nhanh. Vì vậy Gojek là công ty đầu tiên ra mắt dịch vụ xe 2 bánh cho khách hàng", lãnh đạo Gojek Việt nam chia sẻ.


(0) Bình luận
"Hiệu ứng bánh đà" trong mô hình của Amazon Prime và cách Gojek Việt Nam học theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO