Trước đó, trong năm 2023, HHV ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch.
Dù có những tín hiệu kinh doanh tích cực nhưng ở bên kia bảng cân đối tài chính của HHV để lại nhiều sự lo lắng khi kết thúc ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Giao thông Đèo Cả (HHV) vượt 28.045 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, phần lớn là nợ vay tài chính khi lên đến 20.283 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Ngân hàng VietinBank là chủ nợ lớn nhất của Giao thông Đèo Cả với tổng cho vay ngắn hạn là 927 tỷ đồng và tổng cho vay dài hạn là 19.215 tỷ đồng.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Đèo Cả, để trả nợ cho năm 2023, doanh nghiệp này đã phải chi 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số 828 tỷ đồng năm 2022. Tương ứng, mỗi ngày, Đèo Cả đang phải dành hơn 3,1 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3, cổ phiếu HHV đạt thị giá 15.500 đồng/cổ phiếu.
Đèo Cả được vay 20.000 tỷ đồng từ VDB chi nhánh Lâm Đồng
Một trong những nỗ lực tháo gỡ "nút thắt" tài chính đáng ghi nhận của Tập đoàn Đèo Cả đó là khoản vay 20.000 tỷ đồng vừa được ký kết với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng để tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngày 28/3/2024.
Theo thỏa thuận này, tổng mức vốn VDB dự kiến cung ứng giai đoạn từ năm 2024 - 2027 cho Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024 là 1.400 tỷ đồng, năm 2025: là 3.500 tỷ đồng, năm 2026 là 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng.
Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến sẽ đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… dự kiến, tổng mức vốn đầu tư cần huy động lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.
Cùng với những khoản nợ đang phải trả tới 1,1 tỷ USD và số tiền trên thực sự là áp lực lớn đối với Đèo Cả, trong bối cảnh các Ngân hàng đã không mặn mà do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông thua lỗ. Vì thế, từ mô hình PPP, Tập đoàn Đèo Cả có sáng kiến đề xuất mô hình PPP++ với mong muốn đa dạng hoá các nguồn vốn hợp pháp, giúp tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Với mô hình PPP++, các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước cùng với các đối tác có chung khát vọng, chí hướng để thực hiện dự án. Cùng đi, cùng vượt khó, cùng về đích. Dự kiến Đèo Cả sẽ đi tiên phong trong mô hình này.