Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiệm vụ của KTNN chủ yếu là phòng ngừa, phát hiện sai phạm và kiến nghị tăng thu giảm chi cho ngân sách Nhà nước, cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách và chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng tài sản công.
Qua kết quả kiểm toán, khi KTNN phát hiện có các vấn đề liên quan đến dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ chuyển vụ việc sang các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.
Thời gian qua, cùng với hàng trăm báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội và các ủy ban, cơ quan thanh tra, giám sát của Quốc hội, KTNN cũng chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp.
Đến thời điểm này, các cơ quan điều tra đã xử lý giải quyết 35 vụ việc, trong đó có 14 vụ việc đã khởi tố, 21 vụ việc đang có ý kiến để điều tra, xác minh.
Một số nội dung trong các vụ việc còn lại không khởi tố vụ án vì các sai phạm đó đến nay đã được xử lý.
Lãnh đạo KTNN cho hay, trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra về các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật, KTNN nhận được sự phối hợp tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan điều tra.
Trong năm 2023, KTNN cũng đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là tài liệu quan trọng khi trong quá trình kiểm toán, nếu kiểm toán viên phát hiện ra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có quy trình kiểm toán riêng.
Theo KTNN, trong số 40 vụ việc có dấu hiệu sai phạm chuyển sang cơ quan điều tra, năm 2022, có 7 vụ việc liên quan đến công tác thăm dò, khai thác khoáng sản tại Hải Phòng.
Ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI, cho biết, trong quá trình kiểm toán có phát hiện vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, kiểm toán viên đã báo cáo lãnh đạo phụ trách, Tổng KTNN theo đúng trình tự quy định và KTNN đã chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra.
Đến nay, Công an Hải Phòng thông báo đã có 2 vụ việc đã được cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án với nội dung vi phạm quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản theo kiến nghị của KTNN.
Ngoài việc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, KTNN đã có một số kiến nghị tương ứng, chủ yếu là kiến nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị được kiểm toán kiểm tra, đối chiếu rà soát, khắc phục xử lý đúng theo quy định pháp luật; trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm cần xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan.
Hé lộ danh sách 7 doanh nghiệp bị chuyển sang cơ quan điều tra
Tại báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong số này có 7 vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại TP. Hải Phòng. 7 công ty này lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.
Tại Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã nêu đích danh lần lượt 7 công ty này.
Cụ thể gồm có: Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.
Kiến nghị cảnh báo về ngân hàng yếu kém
Tại họp báo, một trong những vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được Kiểm toán Nhà nước đề cập đến là hiện tượng ngân hàng thương mại yếu kém, tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Ông Vũ Mạnh Cường, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII phụ trách lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho biết Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không kiểm toán các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tuy nhiên thông qua công tác kiểm toán cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo cáo của các cơ quan thanh tra, KTNN đã có kiến nghị về nội dung NHTMCP tư nhân tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng an toàn hệ thống.
Cụ thể, KTNN kiến nghị NHNN trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra biện pháp, giải pháp can thiệp phù hợp với các quy định pháp luật, không để thất thoát, mất mát tài sản Nhà nước và nhân dân, bảo đảm an toàn ổn định hệ thống ngân hàng.