Những "nỗi buồn hậu kỳ nghỉ"
Bước vào văn phòng sau kỳ nghỉ 30/4 dài không kém gì nghỉ Tết, Tuyết Trinh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) không khỏi ngạc nhiên vì văn phòng im ắng hơn ngày thường, một phần vì nhiều nhân sự xin phép nghỉ thêm, một phần vì những gương mặt uể oải sau những ngày thả ga. Bản thân cô cũng mang theo tâm trạng uể oải bắt đầu ngày làm việc sau chuyến du lịch cùng gia đình.
Theo chuyên gia, tình trạng xao nhãng và cảm giác trống rỗng, tiếc nuối mà Tuyết Trinh gặp phải được biết đến với cái tên post-vacation blues (nỗi buồn hậu kỳ nghỉ). Thực tế, tại Mỹ có đến 64% người lao động thường xuyên rơi vào hội chứng này. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những cảm xúc tiêu cực trên là do sự thiếu hụt "hormone hạnh phúc" dopamine của cơ thể.

Nỗi buồn hậu kỳ nghỉ khiến nhân viên cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không thể tập trung khi quay trở lại văn phòng.
Ngọc Mai (Quản lý một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, TP,HCM) cũng cho biết: "Dù đã dự đoán trước tình trạng này, nhưng đối diện với chồng đơn xin nghỉ phép thêm, xin về sớm… sau ngày nghỉ cũng khiến chúng tôi đau đầu. Tuy hiểu được nhân sự cần thời gian để bắt đầu lại nhưng chúng tôi cũng không muốn làm "gãy ngang" guồng công việc đang được duy trì trước lễ".
"Không giống như kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp và cả người lao động có thể dần dần quay lại guồng công việc thì kỳ nghỉ 30/4 nằm trong giai đoạn cao điểm mùa hè. Nếu nhân sự kéo dài tình trạng post-vacation blues thì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp độ làm việc và chất lượng công việc", bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Marketing & Hợp tác chiến lược, Công ty tư vấn nhân sự Talentnet, cũng nhận định về hệ quả của tình trạng "nỗi buồn hậu nghỉ lễ".
Vấn đề mất cân bằng sau kỳ nghỉ sẽ trở thành thách thức khi không được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong giai đoạn tăng tốc giữa năm. Lúc này, cân bằng cảm xúc cho người lao động là điều mà HR nên chuẩn bị từ trước để tránh rơi vào trạng thái bị động.
Vượt qua "nỗi buồn hậu kỳ nghỉ"
Với nhiều doanh nghiệp, giai đoạn giữa năm là "bản lề" để tăng tốc. Vì vậy, đảm bảo không kéo dài tình trạng xao nhãng và giữ nhịp độ làm việc ổn định là điều cực kỳ quan trọng. HR có thể giúp người lao động quay trở lại guồng làm việc với 2 "phong cách" và những thay đổi nhỏ sau:
Phong cách nhẹ nhàng
Thay vì bắt đầu với những báo cáo dày cộm hay buổi họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ, HR có thể gợi ý các phòng ban bắt kịp tiến độ làm việc bằng một buổi họp ngắn để tóm tắt lại tiến độ công việc cùng những ưu tiên và thay đổi nếu có. Bên cạnh đó, việc dành thời gian giải quyết các công việc còn tồn đọng sẽ giúp người lao động nhanh chóng "vào guồng" và sẵn sàng cho những kế hoạch chiến lược cho tháng sắp tới.
Phong cách quyết liệt
Bà An Hà nhận định: "Lúc này, việc lên một kế hoạch công việc cụ thể sẽ tạo động lực cho người lao động phấn đấu trong giai đoạn giữa năm. HR có thể hướng dẫn nhân viên viết ra những đầu việc cần làm, mục tiêu cần đạt được và các bước chi tiết để hiện thực hóa mục tiêu đó theo mức độ ưu tiên về thời gian. Đừng quên nhắc nhân viên báo cáo tiến độ dự án và những công việc cần làm mỗi ngày để họ cảm thấy hứng thú và tạo động lực cho chính mình, đặc biệt là khi họ nghĩ đến lúc hoàn thành được những mục tiêu đó".
Sự quan tâm đúng lúc không chỉ là một cách giúp nhân viên nhanh chóng sạc lại năng lượng để tiếp tục "chiến đấu", mà còn là cách thúc đẩy tinh thần hiệu quả.

Doanh nghiệp có thể áp dụng thêm "tuyệt chiêu" lắp bảng phi tiêu tại khu vực giải trí, bất ngờ khao cả nhóm dùng cơm trưa hay thưởng thức bữa ăn nhẹ.
Tuy vậy, bà Hà cũng cho hay, HR có thể tạo điều kiện, nhắc nhở nhưng bản thân nhân viên cũng cần lên kế hoạch cho chính mình để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng post-vacation blues. "Người lao động có thể sắp xếp lịch nghỉ lễ để dành ra một ngày "catch-up day" trước khi quay lại công việc. Một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, mở lại email, kiểm kê lại to-do-list sẽ giúp người lao động cân bằng cảm xúc, không bị tình trạng mệt mỏi lấn át khi quay trở lại cuộc đua", bà An Hà chia sẻ thêm.
Sau kỳ nghỉ lễ dài, hãy để nguồn năng lượng của bạn được sạc đầy và bắt đầu quay lại công việc với sự sung mãn bằng các kế hoạch cụ thể, thay vì kéo tụt tâm trạng chỉ vì sự tiếc nuối "ngày lễ chóng qua".