Nhắc đến ngành dược, người tiêu dùng hẳn không còn xa lạ với cái tên Traphaco, thương hiệu có tuổi đời 50 năm. Từ khi mới thành lập, hoạt động kinh doanh của công ty đã gắn liền với với những sứ mệnh mang tính cộng đồng, với sản phẩm đầu tiên là viên sáng mắt cho cán bộ lái tàu thức đêm phục vụ chiến trường. Đến nay, Traphaco đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của ngành dược và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe khắt khe của người dân.
Traphaco tiền thân là Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế Đường sắt được thành lập từ năm 1972. Không giống như phần lớn các doanh nghiệp dược khác chủ yếu tập trung vào mảng tân dược, Traphaco đã mạnh dạn chọn cho mình lối đi riêng khi tiên phong trong “cuộc cách mạng thuốc Đông dược”.
Sự khác biệt khiến Traphaco gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị phần ở các dòng sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế sản xuất. Bởi thực tế, nguyên liệu để làm Đông dược chủ yếu là các loài cây cỏ trong tự nhiên và nước ta lại được thiên nhiên ưu ái với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho sự phát triển của nhiều loại dược liệu quý.
Trải qua nửa thế kỷ hình phát và phát triển, Traphaco vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong mảng đông dược nói riêng và dược phẩm nói chung. Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối trải rộng khắp cả nước với 28 chi nhánh và bán hàng trực tiếp tới gần 30.000 nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc. Nhắc đến Traphaco, người tiêu dùng nghĩ ngay đến những sản phẩm Đông dược rất được ưa chuộng như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Tottri…
Nhờ đó, kết quả kinh doanh của Traphaco vẫn tăng trưởng ấn tượng qua từng năm bất chấp nhiều doanh nghiệp ngành dược đã chững lại. Năm 2021, công ty lập kỷ lục doanh thu với 2.168 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 22% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2007-2021 đạt 10,5% về doanh thu và 14,8% về lợi nhuận. Việc duy trì được tăng trưởng 2 con số trong một khoảng thời gian kéo dài 15 năm là điều không hề dễ dàng đặc biệt với một lĩnh vực cạnh tranh cao như ngành dược.
Với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, không bất ngờ khi Traphaco nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp dược có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán với giá trị gần 4.000 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ cũng đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm mới niêm yết, đạt hơn 414 tỷ đồng.
Để đạt được thành công ngày hôm nay, Traphaco đã để lại nhiều dấu ấn trên chặng đường suốt 50 năm qua. Bước ngoặt quan trọng đến vào năm 2009 khi Traphaco thực hiện dự án Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco (Dự án Green Plan), trong đó đã đưa ra mục tiêu phát triển một số dược liệu chủ lực theo Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Thay vì nhập dược liệu với chất lượng khó kiểm soát, công ty đã đi đầu trong việc hợp tác với người nông dân tại nhiều vùng sâu, vùng xa để phát triển mô hình trồng dược liệu bền vững.
Traphaco đã ký hợp đồng với người nông dân từ cung cấp hạt giống, hỗ trợ kỹ thuật theo hướng dẫn của GACP-WHO, UEBT, Organic đến thu mua thành phẩm cho bà con. Qua nhiều năm triển khai, đến nay Traphaco đã có 5 vùng trồng đạt chuẩn GACP-WHO của Bộ Y tế với trên 36.000 ha cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho công ty. Nhờ đó, công ty đã tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.
Sứ mệnh Traphaco hướng đến là sáng tạo dược phẩm xanh – dược phẩm sản xuất trên nền tảng chuỗi cung ứng xanh từ nguồn nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sạch, hệ thống phân phối, dịch vụ thân thiện với môi trường và mang lại giá trị cho cộng đồng.
“Triển khai vùng dược liệu là bước đột phá của công ty trên con đường phát triển dược liệu. Đồng thời, điều này khẳng định chắc chắn vị thế hàng đầu của Traphaco – công ty sản xuất sản phẩm từ dược liệu có chất lượng cao với các hoạt động trồng, thu hái cây thuốc đạt chuẩn GACP – WHO”, bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Traphaco chia sẻ.
Vượt lên trên lợi ích thuần của một doanh nghiệp, Traphaco còn giúp hàng ngàn hộ nông dân vốn có cuộc sống bấp bênh, nghèo khó “đổi đời” nhờ vườn dược liệu, đem lại việc làm bền vững và nguồn thu nhập cao. Với mô hình trồng/thu hái dược liệu này, doanh nghiệp đã tạo thu nhập cho các hộ dân có thu nhập 8,6 triệu đồng đến 16,6 triệu đồng/hecta/tháng.
Theo lãnh đạo địa phương đánh giá, hiệu quả của việc trồng Actiso cho Traphaco cao gấp 5 lần trồng lúa và gấp 10 lần trồng ngô. Traphaco hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, cam kết thu mua nguyên liệu với giá cao hơn thị trường 10-15% giúp họ có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình đã có thể mua được “tivi actiso”, “xe máy actiso” từ việc bán dược liệu cho Traphaco. Con em họ có cơ hội tới trường, giảm tình trạng lao động trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
Với việc triển khai thực hiện sản xuất dược liệu đạt theo các nguyên tắc của Hướng dẫn GACP-WHO, Traphaco đạt được mục tiêu trồng trọt và thu hái cây thuốc chất lượng tốt một cách lâu bền theo những phương cách tôn trọng và hỗ trợ việc bảo tồn các loại cây thuốc và môi trường nói chung, bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, đảm bảo đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tình trạng du canh du cư, giữ đất bám đất của người dân tộc.
Nhắc về câu chuyện vùng dược liệu, ông Trần Túc Mã – TGĐ Traphaco luôn tự hào: “Vùng dược liệu của Traphaco không chỉ xây bằng các kết quả nghiên cứu, mà bằng sự tận tâm cống hiến để làm nên con đường “sức khỏe xanh” cho cộng đồng. Là một doanh nghiệp dược, nếu chỉ kinh doanh “chộp giật” và bỏ qua lợi ích cộng đồng thì chắc chắn không thể tồn tại. Con đường này sẽ giúp chúng tôi phát triển bền vững. Đó cũng là con đường khác biệt để Traphaco hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp dược số 1 Việt Nam”.
Nhằm vươn lên vị trí số 1 ngành dược Việt Nam, lãnh đạo Traphaco hiểu rằng không thể chỉ dừng lại ở các sản phẩm Đông dược. Trên thực tế, thị phần Đông dược chỉ chiếm khoảng 20% trên thị trường, còn lại chủ yếu là Tân dược. Điều này đã thúc đẩy Traphaco quyết tâm mở rộng sản xuất các sản phẩm Tân dược bên cạnh mục tiêu duy trì vị thế vững chắc trong mảng Đông dược.
Việc đẩy mạnh mảng Tân dược không quá khó khăn bởi trước đây Traphaco vẫn sản xuất nhưng với tỷ trọng không quá lớn. Năm 2021, Traphaco đã hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, trong đó tách mảng kinh doanh Đông dược và Tân dược. Đây là một chuyển biến tích cực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường và từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược “Duy trì, giữ vững vị thế số 1 Đông dược - tập trung đầu tư phát triển ngoài Đông dược”.
Dù mới đẩy mạnh phát triển nhưng doanh thu Tân dược hiện đang chiếm khoảng 30-35% tổng doanh thu của Traphaco và công ty đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu mảng này lên 60-65% trong tương lai. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng nhưng với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Daewoong đến từ Hàn Quốc, ban lãnh đạo Traphaco tự tin sẽ đạt được trong tương lai không xa.
Daewoong thuộc Top 3 hãng dược lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hằng năm trên 1 tỷ USD. Từ năm 2021, Traphaco đã tiếp nhận chuyển giao 12 sản phẩm mới từ đối tác này. Theo đại diện của Daewoong, ngoài 70 sản phẩm đặc trị các bệnh có nhu cầu lớn ở Việt Nam, tập đoàn này sẽ mở rộng thêm danh mục mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong giai đoạn chuyển giao 3 và 4.
Trong khi Traphaco mạnh trong lĩnh vực Đông dược và phân phối nhà thuốc OTC, Daewong lại tập trung Tân dược và kênh phân phối bệnh viên (ETC). Sự khác biệt này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự hòa hợp và cộng hưởng giữa thế mạnh riêng cả 2 công ty. “Khi hai công ty kết hợp, luôn có chiến lược rõ ràng và khi đầu tư tất nhiên sẽ định hướng Traphaco trở thành doanh nghiệp dược số 1 Việt Nam. Không chỉ nguồn vốn, phía Hàn Quốc còn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu đó” – ông Kim Dong Hyu – Phó TGĐ Traphaco phụ trách ETC & SPKT nhấn mạnh.
Trong chiến lược lâu dài, Daewoong muốn tăng cường các sản phẩm có tính công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng trên cả 2 kênh OTC và ETC. Ngoài ra, tập đoàn này cũng không giấu tham vọng xuất khẩu các sản phẩm Traphaco đến các thị trường nước ngoài. Rất nhiều công ty Hàn Quốc có ấn tượng tốt đối với các sản phẩm chính của Traphaco (đơn cử như Boganic) và muốn đưa sang thị trường Hàn Quốc nhưng những đề nghị hợp tác vẫn trong quá trình đàm phán. “Nếu có bất cứ cơ hội nào, Traphaco cũng sẵn sàng xuất khẩu ra nước ngoài”.
Ngoài đối tác Hàn Quốc, Traphaco cũng tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các đối tác chiến lược để nhận chuyển giao, đa dạng dòng sản phẩm, phục vụ chiến lược phát triển sản phẩm tân dược. Theo kế hoạch, trong vòng 5 năm tới, Traphaco sẽ nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công hàng trăm sản phẩm mới, đem lại doanh thu ước tính 25 triệu USD (doanh thu tích lũy của các sản phẩm sau 5 năm triển khai thị trường).
Với lực đẩy kép từ Đông dược và Tân dược, giai đoạn 2021-2025 được đánh giá thời kỳ tăng tốc của Traphaco trong ngành dược phẩm. Đặc biệt, nhóm sản phẩm Tân dược hứa hẹn tạo ra những bước đột phá về doanh thu cho Traphaco, đảm bảo hiện thực hóa tốc độ tăng trưởng kép 13% về doanh thu và 15% về lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2021-2025.
Theo nghiên cứu của IMS, tiêu thụ thuốc của Việt Nam ở kênh OTC (thuốc không kê đơn) chỉ tăng nhẹ 3,6% CAGR trong 5 năm tới. Thay vào đó, doanh số kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) được dự phóng tăng trưởng mạnh 10,6% CAGR và chiếm chủ đạo 65% thị trường dược phẩm. Điều này phần nào cho thấy, chiến lược phát triển Tân dược và đẩy mạnh vào kênh ETC của Traphaco là thức thời sau nửa thế kỷ nắm giữ vị thế số 1 Đông dược tại Việt Nam.
Sau khi Traphaco chia tách trình dược viên, mảng Đông dược ghi nhận tăng trưởng hơn 20%, mảng ngoài đông dược thậm chí còn cao hơn, 35%. Lãnh đạo công ty từng chia sẻ “cơ hội đối với sản phẩm của Traphaco trên cả kênh OTC và ETC vẫn còn rất lớn, công ty sẽ tận dụng sự hài hòa giữa các sản phẩm để tạo giá trị cao hơn cho người dùng”.
Riêng trong năm 2022, Traphaco đặt mục tiêu đạt 2.345 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 286 tỷ đồng, đều tăng 8% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng đầu năm, công ty ước đạt doanh thu 1.830 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Ban lạnh đạo Traphaco cho biết năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành vượt các mục tiêu kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 15% và 20%. Cổ tức phấn đấu tỷ lệ 30% bằng tiền cho cổ đông và thu nhập người lao động dự kiến tăng 5% so với năm ngoái.
Tựu chung lại, Traphaco luôn hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa cổ đông, người lao động và xã hội. “Là một doanh nghiệp dược, nếu chỉ suy nghĩ kinh doanh kiểu “chộp giật”, không quan tâm tới xã hội chắc hẳn Traphaco cũng không có ngày hôm nay. Sau 50 năm phát triển, công ty cũng đã vượt qua những khó khăn vất vả và đang có cơ hội phát triển rất tốt thời gian tới. Phụng sự xã hội, sẽ đem lại lợi ích cho công ty, người lao động cũng như cổ đông” – TGĐ Traphaco, ông Trần Túc Mã nhấn mạnh.