Hành trình thám hiểm đại dương của 'ông trùm' quỹ phòng hộ: Từng tìm ra con tàu chứa kho báu 17 tỷ USD, thừa nhận cổ vật là đam mê lớn

Vũ Anh | 16:09 23/11/2023

Ông được mệnh danh là ‘thợ lặn tìm tàu đắm’ nức tiếng London.

Hành trình thám hiểm đại dương của 'ông trùm' quỹ phòng hộ: Từng tìm ra con tàu chứa kho báu 17 tỷ USD, thừa nhận cổ vật là đam mê lớn

Lực lượng bảo vệ bờ biển Iceland đã theo dõi con tàu này trên màn hình phòng điều khiển - một dấu chấm đơn độc trên vùng xanh lam của bản đồ hải lý. Sắc cam rực rỡ của Seabed Constructor đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Ai nấy đều tranh luận xem phải làm gì với con tàu và cuối cùng họ chọn cách kéo Constructor về cảng. 

Thuyền trưởng và 2 thuyền viên được đưa đến đồn cảnh sát thẩm vấn. Họ làm việc cho một vị khách VIP ở London song không thể xác định danh tính, được thuê để tìm kiếm những vật có giá trị trên SS Minden - con tàu chìm từ Thế chiến thứ hai.

“Khách hàng của chúng tôi dự kiến hoạt động tìm kiếm sẽ mất khoảng 24 đến 48 giờ nếu điều kiện thời tiết thuận lợi”, một người cho biết. 

Iceland không bao giờ biết được danh tính vị khách hàng bí ẩn. Họ cũng không biết rằng SS Minden chỉ là một trong hàng chục chiếc tàu mà người đàn ông ấy theo đuổi trong nhiều năm để trục vớt ‘kho báu ngủ quên’ dưới đáy biển. 

Để tìm hiểu, Bloomberg Businessweek tiến hành điều tra suốt 11 tháng, phỏng vấn hơn 40 nhân viên hiện tại và trước đây của các công ty ông. Các nhà thầu, nhà khảo cổ học, quan chức chính phủ, nhân viên thực thi pháp luật và luật sư cũng tham gia phỏng vấn. Nhiều người yêu cầu giấu tên vì lo ngại hậu quả. 

Theo Bloomberg, dưới đáy đại dương có khoảng 3 triệu xác tàu đắm - khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ USD. Ngoài đá quý và kho báu, nơi đây còn ẩn chứa một lượng lớn dầu, khí đốt và rất nhiều các sinh vật biển kỳ bí. 

1800x-1-5-.jpg

Người đủ tiềm lực khám phá tất cả dĩ nhiên phải có thật nhiều tiền, trong đó, Anthony Clake được mệnh danh là ‘thợ lặn tàu đắm’ tiếng tăm nhất. Ông, 43 tuổi, hiện là giám đốc điều hành quỹ phòng hộ Robert Fraser Asset Management. 

Robert Fraser Asset Management săn tàu đắm để tiết kiệm thuế. Nếu cuộc tìm kiếm không có kết quả, quỹ có thể yêu cầu được giảm thuế. Để làm được điều này, Robert Fraser đã thành lập một số công ty phù hợp, sau đó sử dụng đòn bẩy và các thủ thuật kế toán khác để gia tăng mức ưu đãi thuế. 

Robert Fraser mở ra một kỷ nguyên mới của hoạt động phục hồi xác tàu. Robot hàng hải trị giá hàng triệu USD và công nghệ giúp tạo bản đồ đáy biển 3D đã được ứng dụng. Các nhà đầu tư đầu tiên của công ty có thể kể đến như giám đốc điều hành quỹ phòng hộ Marshall Wace ở London.

Đến năm 2015, Robert Fraser thiết lập quan hệ đối tác với công ty trục vớt biển hàng đầu Odyssey Marine Exploration. Đơn vị này đã thu hút khoảng 100 nhà đầu tư cá nhân chuyên tài trợ cho các chuyến thám hiểm trên khắp thế giới, mỗi chuyến có tên và mã riêng. “Enigma” được coi là một trong những dự án tham vọng nhất nhằm tìm kiếm xác tàu lịch sử mang tên Napried.

Colin Emson , chủ tịch điều hành Robert Fraser vào thời điểm đó, cho biết Marshall, Wace và Anthony Clake đều đầu tư vào dự án Enigma. Đoàn thám hiểm không tìm thấy Napried nhưng đã tình cờ gặp một số tàu buôn cổ chứa đồ gốm thời nhà Minh và tẩu thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ. Hoạt động trục vớt tiêu tốn hàng trăm ngàn USD và mục đích của Robert Fraser là bán cổ vật kiếm lời. 

1400x-1-17-.jpg

Về mặt lý thuyết, không gì có thể ngăn cản các nhà thám hiểm trên lặn sâu xuống đáy biển. Tuy nhiên, những món đồ bạc tỷ họ trục vớt lên thuộc quyền sở hữu của ai thì không một cá nhân nào trả lời được. 

Kỷ nguyên khám phá xác tàu của Robert Fraser bị cho là đã kết thúc sau khi thanh tra của Anh trấn áp hoạt động nộp thuế. Nếu không được giảm thuế, hoạt động săn tìm kho báu sẽ mất đi sức hấp dẫn quan trọng. Theo một số nguồn tin, vào thời điểm đó, các giám đốc điều hành của Marshall Wace và đặc biệt là ông Clake đã thất vọng với Robert Fraser. 

Trong năm 2015-2016, Clake đặt mua rất nhiều phương tiện tự hành dưới nước (AUV). Những robot bơi tự do này giống như những quả ngư lôi màu cam sáng và có thể lặn xa tới 6.000 mét; mỗi chiếc thường có giá vài triệu USD. 

Clake là đặt tất cả các AUV trên một con tàu và triển khai chúng theo đội hình một phi đội máy bay ném bom, trải thảm các khu vực đáy biển rộng lớn bằng sóng siêu âm. Nhiều AUV đồng nghĩa với việc ông có thể tìm kiếm nhiều hơn, với hiệu quả tốt hơn. 

Theo lời các nhân viên và nhà thầu, Clake là một ông chủ khó tính. Thu nhập của ông  không được tiết lộ song theo Bloomberg News, đây là người kiếm được nhiều tiền nhất Marshall Wace. 

Năm 2016, đội của Clake tìm thấy SS Coloradan - một tàu hơi nước của Mỹ bị đánh trong Thế chiến thứ hai. Xác tàu chứa rất nhiều thùng vàng. 

Cùng năm đó, Clake còn tìm thấy SS Benmohr - con tàu chở hàng thuộc sở hữu của Scotland, chở 50 tấn đồng bạc từ Bombay Mint. Phải mất 12 giờ để hạ các container xuống độ sâu 4.500 mét, nhờ robot chuyển bạc vào trong và kéo chúng lên. Những đồng xu này sau đó đã được nấu chảy và bán. 

640x-1-2-.jpg

Biến kho báu thành tiền — Liệu quỹ phòng hộ của Clake có thể giữ chúng không? 

Nếu chủ sở hữu thực sự xuất hiện, các công ty liên kết với Clake có thể yêu cầu bồi thường tới 80% giá trị đồ cổ. Tuy nhiên, nếu không có ai trình báo sau 1 năm, đội thám hiểm có thể giữ hợp pháp bất cứ thứ gì được tìm thấy bên ngoài lãnh thổ Anh. 

Phát hiện lớn nhất có lẽ là con tàu mang tên San José được cho là chứa vàng, bạc, ngọc trai và đồ trang sức trị giá từ 1 tỷ USD – 17 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó, việc nhiều bên lên tiếng tranh giành quyền sở hữu khiến chính phủ Colombia tuyên bố đình chỉ kết hoạch trục vớt.

Về phần mình, ông Clake tuyên bố truy tìm cổ vật là đam mê lớn nhất. Ông hiện vẫn đang tăng tốc hiện thực hóa nhiều tham vọng bằng việc rót tiền đầu tư máy móc và các thiết bị tối tân.

Theo: Bloomberg 


(0) Bình luận
Hành trình thám hiểm đại dương của 'ông trùm' quỹ phòng hộ: Từng tìm ra con tàu chứa kho báu 17 tỷ USD, thừa nhận cổ vật là đam mê lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO