Theo xu hướng điều chỉnh của chứng khoán Mỹ và các nước trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên cuối tuần kém tích cực khi sắc đỏ bao trùm với 914 mã giảm, áp đảo hoàn toàn so với 173 mã tăng. Thậm chí, toàn sàn có đến gần 252 cổ phiếu nằm sàn. Riêng nhóm VN30 đã có đến 8 cổ phiếu giảm sàn và chỉ có sắc xanh hiếm hoi ngược dòng của VJC, SAB, VHM và VIC nhưng tăng chưa tới 1%. Ở chiều ngược lại, VCB, GAS, BID và VPB trở thành những lực cản mạnh nhất đè lên thị trường.
VN-Index đóng cửa giảm 38,61 điểm (-3,59%) xuống mức 1.035,91 điểm, thấp nhất trong vòng hơn 20 tháng kể từ ngày 1/2/2021. Mức giảm trên 3,5% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 7/10.
Phiên giảm mạnh hôm nay cũng đã “thổi bay” gần 153.477 tỷ đồng vốn hóa HOSE, giá trị hiện xuống còn 4,12 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau tuần giao dịch đầu tiên tháng 10, vốn hóa của HoSE đã “bốc hơi” xấp xỉ 383.000 tỷ đồng (~16,6 tỷ USD). Nếu tính chung trên cả 3 sàn, con số này thậm chí còn lên đến gần 408.500 tỷ đồng (~17,8 tỷ USD).
Tín hiệu tích cực là dòng tiền có sự cải thiện, giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng tới 48% so với phiên trước, lên hơn 14.500 tỷ đồng. Đồng thời, giao dịch khối ngoại hôm nay cũng là điểm sáng khi họ đảo chiều mua ròng hơn 250 tỷ đồng trên HoSE.
Phiên thủng đáy tiếp tục đưa mức định giá của thị trường đã thấp lại càng thấp hơn với P/E chỉ ở mức 10,61 lần (theo dữ liệu từ Algo Platform). Con số này chỉ còn cao hơn đôi chút so với mức thấp kỷ lục hồi xuống đáy Covid tháng 3/2020 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 5 năm (15 lần) cũng như các nước trong khu vực.
Có thể thấy tâm lý bất ổn cộng thêm luồng thông tin tiêu cực bủa vây thị trường đang khiến áp lực ngày càng gia tăng lên các chỉ số cũng như những nhóm cổ phiếu. Đặc biệt trong bối cảnh chu kỳ tiền rẻ đã qua đi, môi trường lãi suất tăng khiến dòng tiền sẽ chuyển từ kênh rủi ro nhiều như chứng khoán sang kênh ít rủi ro hơn như tiết kiệm, khiến động lực tăng trưởng cho thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể.
Dù vậy, nhìn về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những dư địa tăng trưởng bền vững. Chứng khoán Mirae Asset trong báo cáo mới đây đã đánh giá mức định giá VN-Index nằm trong vùng hấp dẫn nhờ tiềm năng tăng trưởng EPS được kỳ vọng duy trì 2 chữ số. Nếu các yếu tố vĩ mô của thế giới và trong nước không diễn biến xấu hơn, nhóm phân tích vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 là 17,5%, so với mức kì vọng của thị trường là 22% so với cùng kỳ.
Do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, Mirae Asset kì vọng chỉ số VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 – 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9 lần –10,5 lần. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt, với kì vọng đầu tư trung và dài hạn.
Đồng quan điểm, SGI Capital cho rằng, với mức định giá rất rẻ hiện tại, những đợt tụt giảm của VN-Index dưới mức 1.100 điểm, dù vì lý do gì, đều sẽ mang lại cơ hội rất hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới. Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.
Theo SGI Capital, nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh từ đỉnh về gần vùng định giá rẻ lịch sử và rủi ro của thị trường đang giảm đi đáng kể khi nhiều tin xấu dần bộc lộ và phần nào được phản ánh vào giá. “Tháng 10 và quý 4 sẽ còn nhiều tin xấu khiến thị trường biến động mạnh, thử thách tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư nhưng đó cũng là lúc thị trường chào mời những cơ hội với giá tốt nhất”.