Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2023, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 65.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 51.100 lao động, giảm 18,5% về số doanh nghiệp, giảm 33,8% về vốn đăng ký và giảm 25,6% về số lao động so với tháng 1/2023.
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,4% về số doanh nghiệp, giảm 23,1% về số vốn đăng ký và giảm 29,6% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2/2023 đạt 7,4 tỷ đồng, giảm 18,9% so với tháng trước và giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Bên cạnh đó, trong tháng 2/2023 cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 119,6 nghìn lao động, giảm 3% về số doanh nghiệp, giảm 40,7% về vốn đăng ký và giảm 20,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 358 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.605 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm 2023 là 522,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có 18,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng đầu năm 2023 lên 37,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng, cả nước có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Như vậy, bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, cũng trong tháng 2/2023, có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% và tăng 37,5%; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% và giảm 5,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, còn có 9.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,8%; 3.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,6%.
Như vậy, tổng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng qua là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tháng 2/2023, IIP tăng 5,1% so với tháng trước, nhưng nhiều ngành chủ lực vẫn gặp khó.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định, những ngày cuối năm 2022, tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu…
Hiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 2 để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ....
Trước 28/2, Ngân hàng Nhà nước địa phương phải báo cáo tình hình kết nối và tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn của doanh nghiệp.