UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn) có quy mô 302,8ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Đông Anh (các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thuỵ Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh), quy mô 300ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở và Văn Phú, huyện Thường Tín), quy mô 112ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến, huyện Thường Tín), quy mô 174,8ha.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức lập 4 quy hoạch nói trên. Thời gian lập quy hoạch dự kiến kéo dài từ năm 2023 đến năm 2025. Ranh giới, quy mô các quy hoạch được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở.
Hiện đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ; bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) và 1 dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh đang được triển khai.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1 Khu công nghiệp được quy hoạch chuyên phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ là Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Tuy nhiên, dù HANSSIP nằm ở vị trí khá đắc địa tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu là khu công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao chuyên sâu đầu tiên ở Việt Nam. Thế nhưng, đến nay, sau hơn 10 năm, KCN này chậm tiến độ, phần lớn diện tích vẫn hoang hóa với cây cỏ mọc cao quá đầu.
Từ năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện Phú Xuyên tập trung chỉ đạo, khẩn trương có văn bản trả lời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên) hơn 10 năm nay vẫn đang "tắc nghẽn".
Đối với công tác xử lý nước thải tại các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2021 thành phố đã xây dựng 6 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 276.300 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 28,8% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Đối với xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, hiện 9/9 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; có 26/43 cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung.