UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.
Văn bản nêu rõ, trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp xem xét đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án với danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả (nếu có); tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét đồng thời trong quá trình phê duyệt đồ án.
UBND các quận, huyện, thị xã thông báo, phổ biến nội dung quyết định này đến UBND các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thuộc danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn để biết và triển khai thực hiện.
Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích.
Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND Thành phố Hà Nội đề nghị cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm và cần sử dụng đúng mục đích.
Việc UBND Thành phố Hà Nội ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm
Thực tế cho thấy, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Các sông hồ có vai trò quan trọng trong điều tiết nước mưa, điều hòa không khí, hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị, giải quyết vấn đề ngập úng cục bộ.
Tuy nhiên, thời gian qua, trong khi loạt hồ tự nhiên dần "chết yểu" do thiếu nước, không có dòng chảy, khả năng tự làm sạch giảm... thì những năm qua, nhiều hồ tự nhiên đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa.
Có thể dẫn chứng một số trường hợp như hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936 m2.
Hồ nước gần khu vực bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (cũ) sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai của Tân Hoàng Minh tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210 m2.
Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697 m2. Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277 m2.
Hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm được đưa vào kế hoạch sử dụng để làm đường đi giữa tòa chung cư và trường THCS Thanh Trì. Phần hồ nước bị lấp có diện tích khoảng 14.271,339 m2...