Góp ý khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo

PV | 10:00 13/03/2024

Ngày 13/3/2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo nhằm thu thập ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Góp ý khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước như Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Lập pháp của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng…

Theo lãnh đạo VBA, ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VAs (tài sản ảo) và VASPs (các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, thời hạn cụ thể là tháng 5/2025.

Có thể thấy, đây là một hành động rất quyết liệt và tích cực của chính phủ nhằm khôi phục uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế sau khi chúng ta bị đưa vào danh sách theo dõi tăng cường của FATF vì không có đủ các cơ chế phòng chống rửa tiền, bao gồm phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền ảo, tài sản ảo.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA nhấn mạnh: “VA là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030. Việc cấm VA là không khả thi. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng, cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền”.

Ông Joe Tu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn cầu, đồng thời là đơn vị sản xuất BTC sạch lớn nhất thế giới, VASP CoinEx cho biết, đơn vị này cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý và đạo đức tại Việt Nam, đặc biệt là các quy định về phòng chống rửa tiền. CoinEx cũng bày tỏ sự tuân thủ thông qua việc cam kết hỗ trợ chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo ChainTracer do VBA khởi xướng, nhằm bảo vệ người dùng và giảm thiểu hậu quả từ việc lợi dụng công nghệ blockchain cho mục đích xấu, làm xói mòn lòng tin của xã hội.

Ngoài ra, CoinEx nhấn mạnh tầm quan trọng và đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các VASP tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn.

Đại diện Remitano, một đơn vị VASP đã hiện diện hơn 10 năm cho biết đơn vị này mong muốn khung pháp lý tài sản ảo tại Việt Nam có thể được sớm hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới, đồng thời tạo điều kiện, ưu đãi chính sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản ảo có nhiều năm kinh nghiệm, uy tín trên thị trường. “Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực”, đơn vị này nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Góp ý khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO