Google vừa phải chi gần 3 tỷ USD để 'tuyển lại' một nhân viên cũ, hé lộ sai lầm tai hại trong quá khứ

Vũ Anh | 14:52 27/09/2024

Đây là một bước ngoặt đáng chú ý kể từ khi vị thiên tài này công khai cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm quá ‘nhút nhát’ khi phát triển AI.

Google vừa phải chi gần 3 tỷ USD để 'tuyển lại' một nhân viên cũ, hé lộ sai lầm tai hại trong quá khứ

Vào thời điểm các công ty công nghệ lớn đang chi khoản tiền khổng lồ chiêu mộ những bộ óc giỏi nhất về trí tuệ nhân tạo, quyết định thuê lại Noam Shazeer của Google đặc biệt gây chú ý. Được biết, Shazeer đã nghỉ việc tại Google vào năm 2021 để thành lập công ty riêng là Character AI sau khi gã khổng lồ tìm kiếm từ chối phát hành chatbot do chính ông phát triển. 

Theo những người biết về thỏa thuận này, Google đã viết cho Character AI một tấm séc trị giá khoảng 2,7 tỷ USD nhằm mục đích cấp phép cho công nghệ của Character. Thỏa thuận cũng bao gồm việc ông Shazeer phải đồng ý làm việc cho Google một lần nữa.

“Noam rõ ràng là một người tuyệt vời trong lĩnh vực này”, Christopher Manning, giám đốc Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Stanford, cho biết. “Liệu ông ấy có giỏi hơn những người khác gấp 20 lần không?”.

Đây là một bước ngoặt đáng chú ý kể từ khi Shazeer công khai cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm quá ‘nhút nhát’ khi phát triển AI. Vị kỹ sư 48 tuổi này hiện là một trong ba người dẫn đầu nỗ lực của Google nhằm xây dựng phiên bản tiếp theo của Gemini. 

Theo WSJ, Shazeer đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ cổ phần của mình tại Character. Google đã từ chối phỏng vấn Shazeer và ông cũng không trả lời yêu cầu bình luận. 

Theo các chuyên gia, động thái trên là một trong số nhiều giao dịch bất thường gần đây ở Thung lũng Silicon. Thay vì mua đứt các công ty khởi nghiệp, nhiều tập đoàn lớn chuyển sang chỉ cấp phép công nghệ và tuyển dụng người tài — về cơ bản là thâu tóm startup và các tài sản chính nhưng không trở thành chủ sở hữu của công ty.

Giao dịch tương tự được thúc đẩy bởi mong muốn của các công ty công nghệ lớn nhằm tránh sự giám sát từ giới chức. Google, Amazon, Meta, Apple và Microsoft đều đang bị các cơ quan như Ủy ban Thương mại Liên bang theo dõi chặt chẽ việc có hay không ý định kìm hãm sự cạnh tranh công bằng.

Justin Johnson, một nhà kinh tế học tại Đại học Cornell, cho biết: “Rõ ràng các công ty công nghệ lớn đang cố gắng tránh né sự giám sát của cơ quan quản lý bằng cách không trực tiếp mua lại các công ty mục tiêu. Những thỏa thuận này trông giống như các vụ mua lại thông thường”.

Shazeer gia nhập Google vào năm 2000 với tư cách một trong số vài trăm nhân viên đầu tiên. Dự án lớn đầu tiên của ông là xây dựng hệ thống cải thiện chức năng sửa lỗi chính tả của công cụ tìm kiếm. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã yêu cầu CEO Eric Schmidt cấp quyền truy cập vào hàng nghìn chip máy tính. Nỗ lực ban đầu đã thất bại, nhưng Schmidt ngày càng tự tin rằng ông Shazeer có đủ khả năng để xây dựng AI với trí thông minh ngang bằng con người.

“Nếu có ai đó trên thế giới có khả năng làm được điều đó, không ai khác chính là Shazeer”, Schmidt nói.  

Vào năm 2017, Shazeer xuất bản một bài báo cáo có tên là “Attention is All You Need”, mô tả chi tiết về một hệ thống máy tính có thể dự đoán từ tiếp theo trong một chuỗi. Đây chính là nền tảng của công nghệ AI sau này.

Shazeer đã hợp tác với một đồng nghiệp tại Google, Daniel De Freitas, để xây dựng chatbot ban đầu có tên là Meena. Trong một bản ghi nhớ được lưu hành rộng rãi, "Meena Eats the World", Shazeer dự đoán rằng nó có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google và tạo ra hàng nghìn tỷ USD doanh thu.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Google lại từ chối phát hành chatbot này do lo ngại về tính an toàn và công bằng. Như một cách phản bác, Shazeer và De Freitas quyết định nghỉ việc. 

“Nó đã gây ra một chút xáo trộn bên trong Google”, ông Shazeer nói. “Chúng tôi nghĩ có lẽ mình sẽ may mắn hơn nếu tung ra chatbot khi là một công ty khởi nghiệp”.

Đến tháng 3/2023, Character.AI huy động thành công 150 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất dẫn đầu bởi công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Andreessen Horowitz. Điều này giúp định giá Character.AI chạm mốc 1 tỷ USD vào thời điểm đó, theo WSJ.

“Tôi nghĩ mọi người đang bắt đầu nhận ra giá trị của sản phẩm này”, ông Noam Shazeer khi đó cho biết.

Theo CB Insights, hàng chục công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đều là những kỳ lân trị giá hàng tỷ USD, bao gồm cả OpenAI. OpenAI đã khởi động sự bùng nổ AI gần đây, qua đó đưa startup chatbot trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Theo các chuyên gia, khoản đầu tư từ Andreessen Horowitz đánh dấu một cột mốc quan trọng với Character.AI bởi đây là một trong những nhà đầu tư công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon. Một trong những đối tác chung của Andreessen, Sarah Wang, sẽ tham gia hội đồng quản trị của Character.AI, theo WSJ.

“Character.AI đang thúc đẩy trí tuệ nhân tạo một cách nhanh chóng và đáng kể, với khả năng thay đổi cách con người kết nối với nhau”, bà Wang cho biết.

Ngoài nguồn tài trợ từ Andreessen, Character.AI còn nhận được nhiều vốn huy động từ các nhà đầu tư, bao gồm Nat Friedman - cựu giám đốc điều hành Microsoft GitHub và SV Angel - một trong những nhà đầu tư tích cực nhất của Thung lũng Silicon.

Theo: WSJ, The NY Times 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Google vừa phải chi gần 3 tỷ USD để 'tuyển lại' một nhân viên cũ, hé lộ sai lầm tai hại trong quá khứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO