Góc nhìn CTCK: Xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm

Năm Dòng Kẻ | 20:12 04/04/2023

TVSI cho rằng trong các phiên sắp tới, xu hướng chủ đạo vẫn là tăng điểm, sau đó khả năng cao sẽ có nhịp thị trường kiểm tra lại ngưỡng kháng cự đỉnh tháng 2 trước đó

Góc nhìn CTCK:  Xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm

Sau 10 phiên liên tiếp tăng điểm, thị trường chứng khoán ghi nhận nhịp điều chỉnh trong phiên 4/4 dưới áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, chủ yếu tại họ cổ phiếu Vingroup và nhóm ngành bất động sản.

Thanh khoản toàn thị trường được cải thiện nhưng kèm theo là sự phân hóa khá rõ ràng cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu thận trọng và có sự chọn lọc kĩ càng hơn. Kết phiên VN-Index giảm 0,83 điểm xuống 1.078,45 điểm, tích cực hơn, HNX Index đóng cửa tại 210,73, tăng 0,25 điểm. Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi họ bán ròng với tổng giá trị 281 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nhận địn về thị trường chứng khoán trong phiên tới, các công ty chứng khoán vẫn đánh giá xu hướng tích cực ngắn hạn chưa bị vi phạm, song những nhịp giằng co có thể xuất hiện.

Theo Chứng khoán Tân Việt (TVSI), đà giảm trong phiên 4/4 chủ yếu đến từ áp lực chốt lời từ vùng giá cao. Xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn đang được duy trì và chưa có thêm tín hiệu tiêu cực nào. Điểm lo ngại duy nhất là áp lực điều chỉnh nhanh và sốc có thể xảy ra ngay trong phiên trong các phiên sắp tới. Hỗ trợ chính của thị trường hiện tại là vùng cân bằng trước đó quanh khu vực 1.050 điểm và đây là hỗ trợ mạnh của xu hướng tăng giá đã thiết lập trong ngắn hạn. Kháng cự sắp tới của VN-Index sẽ là 2 vùng đỉnh hồi phục của tháng 2 ở quanh 1.095 điểm và 1.140 điểm.

TVSI cho rằng trong các phiên sắp tới, xu hướng chủ đạo vẫn là tăng điểm, sau đó khả năng cao sẽ có nhịp thị trường kiểm tra lại ngưỡng kháng cự đỉnh tháng 2 trước đó. Các nhịp rung lắc hay điều chỉnh sắp tới đều là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Thị trường đang rất tích cực trong ngắn hạn và nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành mạnh như BĐS, chứng khoán, xây dựng – đầu tư công và ngân hàng.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định mức giảm điểm tương đối hạn chế và thị trường vẫn còn cơ hội tăng trở lại trong phiên kế tiếp. Chỉ số chính sẽ dao động thăm dò nguồn cung tại vùng cản 1.080 đến 1.100 điểm và nhà đầu tư nên quan sát diễn biến cung cầu tại ngưỡng điểm này.

Song, trái ngược với TVSI, VDSC khuyến nghị nên tránh trạng thái quá mua và tận dụng nhịp tăng để chốt lời ngắn hạn nhằm tránh rủi ro cho danh mục.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá sự rung lắc có thể sẽ diễn ra mạnh hơn trong các phiên tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa, tăng giảm đan xen và nhiều khả năng là đi lên theo đường zigzag hướng tới khu vực đỉnh cũ quanh 1.090 - 1.100 điểm. Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để gia tăng tỉ trọng đối với các nhóm ngành đang thu hút lực cầu tốt như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ.

Tương tự, Agriseco Reserch cho rằng thị trường cần thời gian để hấp thụ cung hàng tại các vùng giá cao trong quá trình chinh phục các ngưỡng cản phía trên tại vùng giá 1.090 – 1.100 điểm. Do đó trong các phiên sắp tới, những nhịp tăng giảm đan xen với biên độ hẹp có thể xảy ra. Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược chốt lời từng phần với những mã đã tăng mạnh tại vùng kháng cự và mua lại khi điều chỉnh về hỗ trợ, với những mã vẫn còn dư địa tăng có thể tiếp tục nắm giữ.

Thận trọng hơn, Chứng khoán Yuanta dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.068 – 1.072 điểm. Song, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhịp điều chỉnh có thể cũng sẽ nhanh chóng kết thúc. Điểm tiêu cực được Yuanta chỉ ra là rủi ro ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa có dấu hiệu gia tăng nên nhóm Midcaps có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh hơn trong những phiên tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Góc nhìn CTCK: Xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO