"Cổ vật" từ thời Thanh?
Ngày nay khi nói về việc phải đi các quãng đường xa, nhiều người Trung Quốc đã trở nên quen thuộc với đường sắt và cụ thể là đường sắt cao tốc.
Dĩ nhiên nếu chất lượng của các chi tiết của đường sắt - như đường ray - quá thấp, chúng sẽ không bao giờ được sử dụng.
Nhưng dù bạn có tin hay không, ở đất nước tỷ dân vẫn tồn tại những đoạn đường ray được sản xuất từ hơn 100 năm trước và chúng vẫn đang được sử dụng thường xuyên.
Câu chuyện bắt đầu trong một ngày bình thường của năm 2015, một công nhân bảo trì của Đường sắt Bảo - Thành đang kiểm tra các đường ray và anh đã rất ngạc nhiên khi thấy một điều bất thường.
Đó là một số đường ray gần một cây cầu trên tuyến đường sắt nối Bảo Kê (Thiểm Tây) với Thành Đô (Tứ Xuyên) có khắc một số ký tự tiếng Trung và một số con số.
Vì tò mò, người công nhân đã tìm hiểu những thứ này và phát hiện ra rằng chúng có nghĩa là "Sản xuất năm 1902 tại Xưởng thép Hán Dương (Vũ Hán, Hồ Bắc)".
Nếu đường ray này thật sự được sản xuất năm 1902, thì chắc chắn nó đã hơn 100 tuổi. Bất ngờ trước thực tế này, người công nhân đã báo cáo lên cấp trên.
Sau khi nhận được báo cáo của công nhân bảo trì, các lãnh đạo đường sắt Trung Quốc đã nhanh chóng triệu tập các chuyên gia đến đánh giá hiện trạng.
Câu chuyện lịch sử
Câu chuyện về những đường ray cổ này đã được các chuyên gia Trung Quốc làm rõ sau một quá trình thẩm định.
Kết luận cuối cùng của họ là đoạn đường ray này thực sự được Xưởng thép Hán Dương sản xuất vào hơn 100 năm trước. Thông tin này sau đó đã được chia sẻ nhanh chóng trên Internet.
Để giải đáp những câu hỏi của dân mạng Trung Quốc về lý do tại sao đến giờ này đoạn đường ray này vẫn "sống sót" trong hệ thống đường sắt, các chuyên gia đã đưa ra các câu trả lời chi tiết hơn.
Năm 1889, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động đã đề xuất nhà Thanh xây dựng tuyến đường sắt từ Bắc Kinh đến Hán Khẩu (nay thuộc Vũ Hán).
Để đáp ứng nhu cầu thép cho xây dựng đường sắt, vị quan này đã đề xuất xây dựng một xưởng thép và nhà Thanh đã phê duyệt kế hoạch này vào năm 1890.
Nhưng khi xưởng thép này được đi vào hoạt động, nhà Thanh đã ở trong tình trạng suy tàn.
Và mặc dù xưởng thép này đã sản xuất lượng lớn đường ray nhưng do ảnh hưởng của tình hình chính trị rối ren khi đó nên cuối cùng nhiều thành phẩm đã không được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên những đoạn đường ray nói trên lại tương đối may mắn - chúng không những được đưa vào sử dụng mà còn một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng Trung Quốc.
Câu chuyện bắt đầu từ việc xây dựng tuyến đường sắt Bảo - Thành.
Nó được đề xuất trong một kế hoạch đường sắt toàn Trung Quốc của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) vào năm 1913, nhưng chỉ được bắt đầu xây dựng vào năm 1952 bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).
Vào thời điểm đó, PRC mới được thành lập và mặc dù không có vấn đề gì về con người nhưng nếu không đủ nguyên vật liệu làm đường ray thì tuyến đường sắt sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ.
Để hoàn thành nhiệm vụ, những người phụ trách kỹ thuật của dự án đã tận dụng những đoạn đường ray do Xưởng thép Hán Dương sản xuất trước đó.
Tại thời điểm đó họ dự kiến sử dụng chúng để bù đắp trong ngắn hạn số lượng thiếu hụt và dự kiến thay thế trong tương lai.
Nhưng không ai ngờ rằng chúng vẫn ở đó trong hơn 100 năm.
"Cổ vật" liệu có nguy hiểm và bài học cho ngành công nghiệp Trung Quốc hiện tại?
Những "cổ vật" bị phát hiện có ảnh hưởng tới an toàn đường sắt hay không?
Suy cho cùng, nếu đoạn đường sắt này có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng thì có thể xảy ra tai nạn lớn và những người liên quan không thể tránh khỏi việc bị điều tra.
Nhiều người cũng suy đoán rằng dựa trên năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh, chất lượng thành phẩm chắc chắn sẽ không tốt như hiện tại.
Nhưng thực tế là ở thời điểm bị phát hiện, những đường ray này vẫn trong tình trạng tốt. Chúng không những không có vết nứt mà thậm chí còn không bị rỉ sét.
Sau khi biết được thông tin này, nhiều người Trung Quốc không khỏi ấn tượng về những gì được chính họ làm ra trong 100 năm trước - đặc biệt những chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.
Đây cũng là một bài học cho chính các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đại khi nhiều nhà sản xuất chỉ chú trọng tới số lượng và doanh số mà không để ý tới chất lượng sản phẩm.
Kết quả là tư duy này đang vừa gây hại cho đại bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc, vừa có thể khiến chính các nhà sản xuất này lần lượt biến mất.