Trong thời kỳ tiền rẻ, các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu thuờng có diễn biến vượt trội khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, hàng hoá lại là tài sản hấp dẫn hơn khi kinh tế hạ nhiệt.
Michaël van de Poppe, nhà sáng lập MN Consultancy, cho biết: “2 lần gần đây nhất thị trường hàng hoá chứng kiến mức định giá cao là năm 1971 và 2000. Hàng hoá được định giá quá thấp và có khả năng hàng hoá sẽ bước vào thời kỳ tăng giá kéo dài 10 năm. Tôi đặt kỳ vọng lớn vào 2 loại tài sản này.”
Hiện tại, hàng hoá đang có mức giá thấp hơn so với thời kỳ trước bong bóng dotcom năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Có thể, lĩnh vực này sẽ thăng hoa khi nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường chứng khoán vốn đã tăng quá nóng.
Các nhà phân tích tại Bank of America cũng có quan điểm tương tự. Họ cho rằng, đợt tăng giá dài hạn đối với hàng hoá mới chỉ bắt đầu và khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ hàng hoá thay vì trái phiếu trong danh mục đầu tư.
Theo ghi chú “Flow Show” của Jared Woodard, chiến lược gia đầu tư của BofA, đà tăng giá của hàng hoá trong giai đoạn những năm 2020 mới chỉ bắt đầu khi nợ, thâm hụt, nhân khẩu học, xu hướng đảo ngược toàn cầu hoá, AI và các chính sách phát thải ròng tăng lên.
Ông lưu ý rằng, trong 4 năm qua, hàng hoá chứng kiến tổng tỷ suất lợi nhuận là 116%, trong khi trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Mỹ chỉ là 39%. Lợi nhuận hàng năm từ các chỉ số hàng hoá dao động từ 10-14%, ngay cả khi Fed nới lỏng chính sách và lạm phát hạ nhiệt.
Bối cảnh hiện tại đang thúc đẩy nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng một siêu chu kỳ hàng hoá sắp diễn ra.
Theo Rick Mills, chủ tịch kiêm CEO của United Educators, siêu chu kỳ hàng hoá là giai đoạn giá tăng liên tục kéo dài hơn 5 năm và có thể là hàng thập kỷ.
Ông giải thích rằng, khi nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu hàng hoá tăng và cầu vượt xa cung, dẫn đến giá hàng hoá tăng. Tuy nhiên, ban đầu các nhà sản xuất hàng hoá không có phản ứng vì họ không chắc liệu mức giá cao có kéo dài hay không. Kết quả là, chênh lệch giữa cung và cầu tiếp tục mở rộng, tạo thêm áp lực tăng giá.
Mills nói thêm, cuối cung giá cả trở nên hấp dẫn đến mức các nhà sản xuất đầu tư thêm để thúc đẩy nguồn cung, thu hẹp khoảng cách cung và cầu. Khi cung vượt cầu, giá sẽ giảm xuống nhưng nguồn cung vẫn tiếp tục tăng khi các khoản đầu tư sau những năm bùng nổ. Tình trạng thiếu hụt sẽ chuyển thành dư thừa và hàng hoá bước vào chu kỳ giảm giá.
Ông cho biết, siêu chu kỳ hàng hoá mới có thể hơi khác so với trước đây vì sự tập trung hiện hướng đến các nỗ lực hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới thúc đẩy điện khí hoá, Mills cho biết nhu cầu với đồng sẽ tăng 53% lên 39 triệu tấn vào năm 2040. Nhu cầu với các kim loại dùng cho sản xuất pin như lithium, coban và niken cũng tăng nhanh hơn nữa, gấp 3 lần hiện tại trong khi lithium là cao gấp 7 lần.
Mills chỉ ra, giá hàng hoá tăng cao là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một siêu chu kỳ hàng hoá đang diễn ra. Dù lạm phát dường như đã hạ nhiệt, nhưng “lãi suất kép” kéo dài và giá nhiều mặt hàng, bao gồm cả hàng hoá, vẫn ở mức cao.
Ông đưa ra bằng chứng cụ thể, chỉ số hàng hoá S&P GSCI đạt đỉnh vào tháng 6/2022, ngang bằng với mức đỉnh của lạm phát và giảm kể từ đó. Song, giá hàng hoá hiện tại vẫn cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Theo Mills, việc xác định liệu đây đã là khởi đầu của chu kỳ siêu hàng hoá hay chưa thì cần phải chờ xem điều gì xảy ra với vàng khi Fed vào tuần trước đã phát tín hiệu hạ lãi suất. Ông nhấn mạnh: “Giá vàng giao ngay lập kỉ lục 2.531,60 USD sau những bình luận ôn hoà của chủ tịch Powell, bạc tăng theo vàng vượt mức 30 USD/ounce. Do đó, thị trường nên coi đây là đợt thử nghiệm cho những gì diễn ra sau khi lãi suất giảm.”
Ngoài ra, theo nhà phân tích Graddhy, một chuyên gia về chu kỳ hàng hoá, trong khi những lời bàn tán về siêu chu kỳ hiện đang bắt đầu tăng tốc, thì thị trường tăng giá với hàng hóa thực tế đã diễn ra trong hơn 4 năm. Các nhà đầu tư sẽ khôn ngoan khi phân bổ phù hợp cho danh mục trước khi đà tăng bắt đầu bứt tốc.
Tham khảo Kitco News