Những thông tin liên quan tới kiện tụng luôn có tác động không mấy tích cực tới các doanh nghiệp, đặc biệt là giá cổ phiếu, kể cả khi doanh nghiệp có vai trò là người bị kiện hay đi kiện. Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chứng kiến chuỗi giảm sâu tại cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp này chính thức công bố thông tin khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC (“Amazon”).
Theo chia sẻ từ phía Gilimex, trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Cụ thể vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó khiến Công ty gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Do đó, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp theo đúng nội dung hai bên đã thỏa thuận, Gilimex đang tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan để khởi kiện Amazon.
Cổ phiếu GIL trong 7 phiên sau thông tin trên đã giảm sàn 6 phiên, thị giá hiện đạt 19.600 đồng/cp, mất hơn 32% so với mức giá chốt phiên 14/12. So với mức đỉnh giữa tháng 4/2022 thì giá cổ phiếu GIL đã bay tới 76% giá trị, trở về vùng giá hồi cuối năm 2020.
Vốn hóa Gilimex cũng giảm tương ứng gần 600 tỷ đồng xuống còn chưa tới 1.400 tỷ đồng trong hơn 1 tuần. Thanh khoản trở nên ảm đạm khi lượng lớn cổ phiếu đặt bán giá sàn nhưng không thể khớp, giá trị khớp lệnh vài phiên gần đây chỉ vài trăm nghìn đơn vị.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, dù thị giá GIL đã giảm mạnh nhưng mặt bằng giá hiện tại so với thời điểm trước COVID vẫn cao gấp đôi. Từng nhớ trong giai đoạn đại dịch căng thẳng, Gilimex bất ngờ nổi bật với kết quả kinh doanh liên tục tăng bằng lần nhờ động lực không gì khác chính là Amazon. Cổ phiếu GIL tăng giá mạnh, từ vùng dưới mệnh 10.000 đồng lên đỉnh 82.000 đồng/cp sau hơn 1 năm trước khi quay đầu hạ nhiệt. Không sai khi nói rằng Amazon chính là “người hùng” đưa GIL thành “ngôi sao sáng” trong nhóm cổ phiếu dệt may như hiện nay.
Rủi ro phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất bộc lộ
Trở lại hiện tại, thực tế thì lượng đơn hàng dệt may sụt giảm là điều đã được dự báo từ trước trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và nhu cầu giảm sút. Gã khổng lồ Amazon đang phải chống chọi trước những tổn thất nặng nề khi hành vi tiêu dùng thay đổi đột ngột bởi đại dịch. Do đó, việc Amazon giảm đơn hàng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, với Gilimex thì đây không phải vấn đề nhỏ. Việc theo đuổi khách hàng lớn lại đồng thời khiến Gilimex bị phụ thuộc, thiếu mất sự linh hoạt trong kinh doanh. Riêng trong năm 2021, tổng giá trị các đơn đặt hàng của Amazon tại GIL đạt 146,6 triệu USD, tương đương 3.451 tỷ đồng; trong khi tổng doanh thu cả Gilimex vào khoảng 4.150 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng của một khách hàng nhưng chiếm tỷ trọng quá lớn gây ra rủi ro một khi đối tác bất ngờ thay đổi nhu cầu.
Hậu quả đã được phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh quý 3/2022. Doanh thu Gilimex giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu lũy kế sau 9 tháng chủ yếu do 2 quý đầu năm đóng góp, còn lãi phần lớn lại nhờ vào thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết trong quý 3 mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Rủi ro khi phụ thuộc lớn vào 1 đối tác
Trước Gilimex, một doanh nghiệp niêm yết khác cũng từng khốn khổ vì quá phụ thuộc vào 1 đối tác. Cụ thể tháng 3/2019, Youtube công bố quyết định chấm dứt quan hệ hợp tác với mạng lưới đa kênh Yeah1 thuộc sở hữu của Yeah1 Group (mã chứng khoán YEG). Sự cố vận hành với YouTube đã khiến Yeah1 rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Dù khẳng định sẽ sớm trở lại, 6 tháng, 1 năm rồi 3 năm, lời hứa của YEG vẫn chưa thành hiện thực. Những tuyên bố mạnh mẽ với hệ sinh thái Giga1 cũng không thành công và mảng thương mại truyền thông vẫn thể chưa cho quả ngọt.
Đối mặt chính thức với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2019, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thẳng thắn thừa nhận, sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn: bài học mà YEG phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để nhận lại, bài học để Yeah1 tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tư duy "Tại sao lại phụ thuộc vào 1 đối tác", "Không nên xây nhà trên đất người khác" và là bài học chính bản thân lãnh đạo Tập đoàn chưa bao giờ lường trước được.
Cổ phiếu YEG nằm sàn hàng chục phiên liền từ sau biến cố trên, vốn hóa bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng trước áp lực bán ra mạnh mẽ mặc cho nhiều động thái trấn an được thực hiện từ Tập đoàn. Thị giá rơi mạnh từ vùng 240.000 đồng/cp xuống còn chưa tới 100.000 đồng/cp trong vòng chưa đầy 1 tháng rồi tiếp tục lao dốc mạnh, hiện chỉ dao động dưới ngưỡng 10.000 đồng, cách rất xa thời kỳ huy hoàng.