Giao hàng chặng cuối – ‘Nỗi đau’ của những doanh nghiệp bán lẻ và cách Ninja Van hoá giải: Hoạt động mô hình B2B, nhưng vận hành theo kiểu B2C

Đào Trang | 17:08 03/11/2024

‘Giao hàng chặng cuối luôn là nỗi đau và có thể xem là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển đơn hàng đến tay khách hàng. Việc của doanh nghiệp là phải giải bài toán khó nhằn đó’, ông Phan Xuân Dzũng - Chủ tịch Ninja Van Việt Nam nhận định.

Giao hàng chặng cuối – ‘Nỗi đau’ của những doanh nghiệp bán lẻ và cách Ninja Van hoá giải: Hoạt động mô hình B2B, nhưng vận hành theo kiểu B2C

Vừa qua, Ninja Van Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Tối ưu chi phí - Quản trị rủi ro - Chọn đúng đối tác: 3 chìa khóa giúp doanh nghiệp phục hồi, mở rộng quy mô" với sự tham gia của ông Phan Thanh Vinh - Chủ tịch MFast và ông Phan Xuân Dzũng - Chủ tịch Ninja Van Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang dần chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau một thời kỳ đầy thách thức, việc đồng hành cùng một đối tác logistics đáng tin cậy trong giao hàng chặng cuối là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.

Giao hàng chặng cuối – ‘Nỗi đau’ của doanh nghiệp bán lẻ

Tại buổi hội thảo, tất cả diễn giả đều chung nhận định, giao hàng chặng cuối được xem là giai đoạn khó khăn và tốn kém nhất trong quá trình vận tải. Ông Vinh diễn giải: "Với bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ, B2C, nào thì giao hàng chặng cuối đều nắm vai trò quan trọng, mang tính chất cốt lõi. Tệp khách hàng mà chúng tôi hướng đến có thu nhập thấp đến trung bình, phân bổ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên với chúng tôi, chất lượng giao hàng chặng cuối mang tính chất sống còn. Cụ thể, trong công đoạn logistics, chúng tôi tập trung tối ưu, kiểm soát 3 yếu tố chính:

-  Độ phủ: Hơn 80% đơn hàng của MFast được giao đến nông thôn, đô thị cấp 2 trở lên. Trong đó 25% đi sâu vào vùng sâu vùng xa, ấp, thôn, làng - những nơi mà địa chỉ không được rõ ràng, đem đến thử thách rất lớn cho đội ngũ giao hàng tận nơi, tận nhà cho các khách hàng.

-  Thời gian giao hàng (TAT): Độ phủ có thể giúp chúng tôi mở rộng quy mô, nhưng tốc độ giao hàng mới quyết định chất lượng dịch vụ, yếu tố xây dựng lòng tin và sự trung thành của khách hàng. Đặc biệt, khi giao tới các khu vực vùng sâu, vùng xa với nhiều thách thức, việc đáp ứng cam kết giao hàng đúng hẹn đối với chúng tôi là yêu cầu tiên quyết.

-  Chi phí giao hàng: Vì chi phí giao hàng cũng góp phần cấu thành giá bán, nên chúng tôi cần kiểm soát tốt chi phí này để đem đến giá bán sản phẩm phù hợp cho khách hàng thu nhập thấp đến trung bình. Điều này càng cần lưu ý với các đơn hàng đi xa. Điển hình là đơn hàng đi từ kho phía Nam đến tay khách tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái có thể khiến chi phí logistics chiếm tới 10% tổng giá trị đơn hàng, trong khi ngưỡng chúng tôi cho phép và kiểm soát chỉ là 3.5%".

img_9003.jpeg
Ông Phan Thanh Vinh - Chủ tịch MFast và ông Phan Xuân Dzũng - Chủ tịch Ninja Van Việt Nam tại sự kiện "Tối ưu chi phí - Quản trị rủi ro - Chọn đúng đối tác: 3 chìa khóa giúp doanh nghiệp phục hồi, mở rộng quy mô"

Đồng quan điểm đó, ông Dzũng chia sẻ thêm: "Giao hàng chặng cuối luôn là nỗi đau và có thể xem là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển đơn hàng đến tay khách hàng. Dịch vụ cốt lõi của Ninja Van là giao nhận chặng cuối B2C cho các khách hàng thương mại điện tử e-commerce. B2B là một trong những mảng dịch vụ mới của Ninja Van, nhưng những điểm mạnh sẵn có của B2C đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc đem đến giải pháp B2B đáp ứng được nhu cầu của đối tác:

-  Độ phủ: Hiện tại Việt Nam có khoảng 800 tuyến huyện, xã. Với NinjaVan, trên mỗi tuyến huyện xã phải có ít nhất 1 bưu cục. Vì vậy, về độ phủ, chúng tôi có thể đảm bảo gần như 100% có thể giao hàng đến mọi khách hàng tại Việt Nam.

-  Thời gian giao hàng: Đối với các đơn vị vận chuyển truyền thống B2B, thông thường sẽ cam kết các tuyến đi xa, ví dụ Tp. HCM ra các tỉnh miền núi phía Bắc có thể rơi vào khoảng 7 đến 8 ngày, nhanh hơn rơi vào khoảng 5 đến 6 ngày. Đối với Ninja B2B, chúng tôi cam kết giao hàng từ 4 đến 5 ngày. Trong trường hợp của MFast, chúng tôi đang nỗ lực giao hàng từ 3 đến 4 ngày. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch đưa thời gian giao hàng xuống dưới 3 ngày. Đây gần như là một trong những thời gian giao hàng nhanh nhất trên thị trường.

-  Chi phí giao hàng: Ninja B2B vận hành trên nền tảng B2C, nghĩa là đội xe chúng tôi vận hành gần như hàng ngày, với số lượng 800 xe vận hành trên toàn tuyến đường của Việt Nam. Những xe này dù nhiều hay ít hàng vẫn sẽ chạy như vậy, thế nên các chi phí cận biên (marginal cost) hay chi phí bổ sung cho các đơn hàng gần như không đáng kể, cho phép Ninja Van phục vụ các khách hàng B2B như MFast với mức chi phí tối thiểu. So sánh với đơn vị vận chuyển truyền thống, chi phí mà Ninja Van đề xuất cho MFast thấp hơn từ 20-30%". 

img_9001.jpeg
Ông Phan Thanh Vinh - Chủ tịch MFast chia sẻ tại sự kiện. 

Học hỏi hệ thống Logistics từ “láng giềng” Trung Quốc

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, doanh nghiệp thường tập trung cắt giảm chi phí. Bản thân MFast sẽ xem xét kỹ những tiêu chí về độ phủ và tốc độ giao hàng trước tiên, sau đó mới cân nhắc đến các giải pháp để tối ưu chi phí. Ông Vinh chia sẻ thực tế: "Trước đây, TAT trung bình trên toàn quốc là 7 ngày, với chi phí logistics chiếm 5% doanh số bán hàng. Riêng các tuyến từ khu vực phía Nam đến các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, TAT có thể kéo dài 9 ngày, với chi phí logistics chiếm 7% doanh số.

Sau khi tối ưu vận hành nội bộ và thiết lập nhiều quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác logistics, chúng tôi đã kết nối với Ninja Van và tìm ra giải pháp cân bằng giữa độ phủ, TAT, và chi phí. Hiện tại, TAT trung bình toàn kênh đã giảm xuống 3,5 ngày, với chi phí duy trì ở mức 3,5% doanh số bán. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, TAT đã được rút ngắn còn 5 ngày, và chi phí logistics chỉ còn 4% doanh số bán". 

Ở góc nhìn về cách vận hành một số đơn vị giao hàng B2B, ông Dzũng phân tích: "Thông thường họ sẽ đội xe riêng, và 2 phương án vận hành. Một là, chờ chất đầy hàng lên xe rồi mới di chuyển, thậm chí đi gom hàng ở nhiều điểm đón. Đây là phương án đảm bảo chi phí rẻ hơn nhưng thời gian giao hàng sẽ chậm hơn. Hai là, họ sẽ giao ngay khi nhận hàng. Phương án này đảm bảo về thời gian nhưng chắc chắn sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn.

Nhưng mô hình vận hành của Ninja B2B thì dựa trên nền tảng B2C, đội xe của chúng tôi hoạt động theo khung giờ cố định hàng ngày.

Ví dụ, đội xe tải có mặt ở kho lúc 1 giờ sáng để nhận hàng, 3 giờ sẽ xuất phát, xe tải 5 giờ sáng đến hệ thống bưu cục, 8 giờ sáng sẽ có các tài xế đi chuyển hàng. Thậm chí với các tuyến nhiều hàng, chúng tôi có thể bố trí 2 lần xe đi. Điều này đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng, đơn hàng từ Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía Bắc có thể giao trong ngày.

Theo đó, chi phí cũng được tối ưu, vì đội xe chạy hàng ngày, nên chi phí bổ sung trên các đơn hàng là thấp nhất. Nếu có chỉ bao gồm chi phí xăng xe, bố trí thêm nhân sự. Đơn cử là những đơn hàng phải giao qua các địa hình đặc thù như đường đất, xe tải không tới được, Ninja Van sẽ sử dụng đội xe máy hoặc xe ba gác có tại địa phương để chở hàng tới tận nhà dân". 

Lấy ví dụ từ nước láng giềng, đơn hàng B2B trên phạm vi toàn quốc của Trung Quốc có thể giao trong thời gian dưới 1 ngày, trong khi diện tích lãnh thổ của họ lớn hơn Việt Nam từ 4 đến 5 lần. Điều này phản ánh hệ thống logistics của đất nước tỷ dân tỏ ra vượt trội như thế nào.

Từ đó, nhiệm vụ của các đơn vị logistics tại Việt Nam, là làm thế nào để giảm thời gian giao hàng xuống. Với các đơn hàng đi từ Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía Bắc được giao dưới 24 giờ, và các đơn hàng từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền núi phía Bắc, hay từ Hà Nội đến các tỉnh miền Tây sẽ dưới 3 ngày.

Giảm thiểu rủi ro cũng là một trong những giải pháp tối ưu chi phí. Khi số lượng đơn hàng càng tăng cao, rủi ro về chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng sẽ càng tăng. Nhưng như đã chia sẻ, với nền tảng vận hành dựa trên dịch vụ B2C, Ninja B2B vẫn có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển của MFast trong mùa lễ hội mua sắm, với số lượng đơn tăng từ 2, 3 đến 4 lần.

img_9002.jpeg
Ông  Phan Xuân Dzũng - Chủ tịch Ninja Van Việt Nam tiết lộ ‘liều thuốc giảm đau’ cho khâu Giao hàng chặng cuối. 

Quý 4, cơ hội phục hồi cho phần lớn doanh nghiệp

Quý 4 là mùa cao điểm mua sắm và đem đến cơ hội phục hồi cho phần lớn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng xem đây là mốc quan trọng hướng tới cơ hội tăng trưởng, hiện thực hóa mục tiêu mở rộng quy mô trong năm mới. Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp lúc này là: giải quyết nhiều thách thức liên quan đến mật độ giao hàng cao, kiểm soát chi phí, và duy trì chất lượng dịch vụ.

Chủ tịch Ninja Van và MFast đều cho rằng, bí quyết là cần tăng cường khả năng kết nối và hợp tác giữa đội ngũ giao hàng của Ninja Van và đội ngũ vận hành tại địa phương của MFast; cập nhật những kế hoạch hành động chi tiết, như các khu vực dự kiến sẽ mở thêm kiot, hay những bản báo cáo dự đoán đơn hàng sẽ tăng trưởng bao nhiêu. Từ những bản báo cáo và kế hoạch đó, team NinjaVan sẽ chủ động chuẩn bị đội ngũ giao hàng và cân nhắc các kế hoạch hành động phù hợp, bố trí tăng cường xe vận chuyển nếu cần… Quá trình kết nối này sẽ giúp tăng cường sự linh hoạt để giải quyết hiệu quả từng tình huống cụ thể xảy ra. 

Ngoài ra, trong buổi tọa đàm, Ninja Van Việt Nam chính thức công bố sách trắng "Từ kho hàng đến tay người mua: Nghệ thuật của chiến lược logistics thông suốt", nhấn mạnh vai trò quan trọng của giao hàng chặng cuối, đặc biệt trong bối cảnh mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng đang dần trở lại ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, dù mua sắm trực tuyến đang chiếm ưu thế, nhưng theo Khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu của PwC, người tiêu dùng Việt vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng để kiểm tra chất lượng sản phẩm (74%) và trực tiếp lựa chọn sản phẩm trước khi mua (58%). Do đó, việc mở rộng quy mô kinh doanh cần đảm bảo sản phẩm luôn có sẵn tại các cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả những địa điểm xa xôi.

Ông Phan Xuân Dzũng cho rằng, các doanh nghiệp cần một “chiến lược logistics thông suốt” để đảm bảo cung ứng sản phẩm đúng nơi, đúng thời điểm với chi phí tối ưu. Yếu tố then chốt trong chiến lược này là sự linh hoạt, từ số lượng đơn hàng, thời gian vận chuyển, cho đến đội xe và tuyến đường, giúp doanh nghiệp giải quyết các thách thức riêng và tối ưu hóa chi phí.

Nhờ sự hợp tác với Ninja Van, thời gian giao hàng liên miền, cận miền và nội miền của MFast đã được rút ngắn từ 2 đến 3 ngày, trong khi các khiếu nại được xử lý trong vòng 24 giờ. Sau 2 tháng hợp tác, sản lượng đơn hàng giao với Ninja B2B đã tăng gấp đôi, giúp MFast cải thiện uy tín và sẵn sàng mở rộng quy mô kinh doanh.

 

 

 

 


(0) Bình luận
Giao hàng chặng cuối – ‘Nỗi đau’ của những doanh nghiệp bán lẻ và cách Ninja Van hoá giải: Hoạt động mô hình B2B, nhưng vận hành theo kiểu B2C
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO