Giảng viên cao cấp trường Đại học KTQD hiến kế để GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt trên 5%

PV (TH) | 09:36 08/11/2023

Theo chuyên gia, để đạt được sự bứt phá tăng trưởng GDP trong năm 2023 trên 5%, Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.

Giảng viên cao cấp trường Đại học KTQD hiến kế để GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt trên 5%
GDP 9 tháng năm 2023 cả nước đạt 4,24%, mức thấp nhất từ 2011 trở lại đây (trừ 2 năm dịch Covid-19). (Ảnh: Int)

Công tác thu ngân sách khó khăn

Theo số liệu của TCTK, GDP 9 tháng năm 2023 cả nước đạt 4,24%, nhìn vào con số thống kê trên, GS.TS Ngô Thắng Lợi – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, năm 2023, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất lợi cả từ bên ngoài và bên trong, đã có ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe doạ.

Tuy vậy, Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế rất đáng trân trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng 2023 đạt 4,24%, và có xu hướng tăng dần theo thời gian, quý III đạt 5,33%, cao nhất so với quý I và II (tương ứng đạt 3,3%, 4,1%). Với đà tăng trưởng như vậy, dự báo cả năm tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8% năm 2023 (theo ADB dự báo tháng 9/2023), cao nhất khu vực Đông Nam Á (Philipines: 5,7%, Indonesia: 5,0%, Malaysia: 4,5%, Thái Lan: 3,5%...).

Trong bối cảnh khó khăn, GS.TS Ngô Thắng Lợi đánh giá, ngoài việc cố gắng đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, kinh tế Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tình hình lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,16% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 3,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, GS.TS Ngô Thắng Lợi nhận xét, bên cạnh đó, một số vấn đề được xem như bất cập cần được nhìn nhận để giải quyết:

Thứ nhất, mức tăng tưởng GDP những tháng qua là mức đạt được thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2011 trở lại đây, trừ 2 năm liên quan đến đại dịch Covid-19 (2020 và 2021), so với cùng kỳ năm trước (2022) con số 4,24% của năm 2023 chỉ bằng 50%.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê quý III/2023, có tới xấp xỉ 70% doanh nghiệp ngành công thương cho rằng không có xu hướng kinh doanh tốt hơn so với các quý trước và 60% doanh nghiệp cho rằng sẽ không có xu hướng tốt hơn ở quý IV/2023 với những khó khăn nổi bất nhất là thiếu đơn hàng, chi phí tăng cao, cạnh tranh thị trường và phổ biến ở các ngành sản phẩm chủ lực: dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp ô tô, điện thoại, linh kiện điện tử... cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Thứ hai, hiệu quả tăng trưởng thấp. Trước hết, phải nói đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho tăng trưởng thấp thể hiện trước hết ở suất đầu tư tăng trưởng lên quá cao.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp thể hiện thực hiện vốn đầu tư chưa đảm bảo cả ở vốn đầu tư công, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI. Đối với khu vực công, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã liên tục có các chính sách tháo gỡ kích cầu vốn đầu tư công, tuy nhiên, tính hết 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 57,4% kế hoạch vốn 2023.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chỉ tăng khiêm tốn 2,2% so với cùng kỳ, giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023.

Thứ ba, một số hệ lụy không tích cực đối với thu ngân sách nhà nước và và mức độ cải thiện đời sống nhân dân. Do tăng trưởng thấp và những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tất cả các nguồn thu đều sụt giảm so với năm ngoái, khiến công tác thu ngân sách nhà nước năm nay đối mặt nhiều khó khăn. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế- xã hội năm 2023 đã xác định tăng trưởng kinh tế Việt nam năm 2023 đạt trên 5%, ADB đã dự báo con số 5,8%. Để đạt được mục tiêu này thì quý IV/2023 tăng trưởng kinh tế cần đạt được từ 7% trở lên.

Theo số liệu bình quân trong 10 năm qua (từ 2011 đến 2022, không kể 2 năm dịch covid-19), tăng trưởng GDP bình quân của Quý IV đạt 6,7%, năm đạt cao nhất (2017) là 7,67%, năm 2022 chỉ đạt 5,92%. Như vậy, năm quý IV 2023 muốn đạt con số tăng trưởng trên 7%, đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn.

Muốn đạt được kết quả trên, tăng trưởng quý IV cần phải được thực hiện dựa trên 4 điểm nhấn chính, đó là: tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; Gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; sự bứt phá của hoạt động du lịch; Đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Để đạt được sự bứt phá trên, GS.TS Ngô Thắng Lợi đề xuất các giải pháp cụ thể cần hướng tới:

Thứ nhất, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước bằng cách kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, tăng tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân.

Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giảng viên cao cấp trường Đại học KTQD hiến kế để GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt trên 5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO