Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm như chợ Đồng Xa, chợ Mỹ Đình, chợ Cầu Diễn… giá thịt lợn vẫn ổn định như mọi ngày với 140.000 đồng/kg thịt lợn ba chỉ, chân giò và sườn thăn. Giá thịt gà ta (gà lông) 120.000 đồng/kg, giá cá lăng 120.000 đồng/kg, cá quả 110.000 đồng/kg…
Giá rau xanh tại các chợ này nhích nhẹ, đơn cử như rau muống và rau mồng tơi đồng giá 10.000 đồng/mớ, cải xanh 8.000 đồng/mớ, các loại rau thơm cũng tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng/mớ…
Theo các tiểu thương, do mưa gió trong mấy ngày vừa qua nên những loại rau bà con trồng ngoài đồng bị ảnh hưởng ngập úng nên khan hiếm hàng bán. Một số loại rau hiện nay đang được bán do trồng ở trong nhà lưới nên không bị hư hại.
Trong khi đó, ghi nhận tại các siêu thị lúc 9h sáng nay cho thấy, các kệ hàng thực phẩm, rau xanh hút khách nhấtlượng rau quả, thịt cá... dồi dào bảo đảm nhu cầu người dân.
Tại siêu thị Vinmart Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm), các cửa hàng WinMart+ và WIN, các mặt hàng vẫn được niêm yết giá như những ngày trước bão. Khách hàng có thẻ thành viên được giảm 20% thịt gà, thịt lợn MEAT Deli và rau xanh của WinEco.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan trú tại Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) cho hay, lo ngại như những năm trước mỗi khi bão rút đi giá thực phẩm, rau sạch được đà “té nước theo mưa”, nên trước bão bà đã tích trữ đầy chặt tủ lạnh. Nhưng năm nay sau bão bà tham khảo mới biết giá cả tương đối bình ổn, không còn cảnh “chộp giật” đẩy giá lên cao.
“Như mọi năm tôi tích sẵn đồ ăn trong nhà sợ giá cả sau bão tăng, nhưng nay tôi thấy cơ bản giá cả vẫn giữ nguyên, sau tôi sẽ không tích trữ như thế này nữa”, bà Lan nói.
Được biết, trước khi cơn bão số 3 Yagi vào Việt Nam, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho người dân phòng tránh bão, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.
Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại những khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh.
Mới đây, sau cơn bão Yagi, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục QLTT và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Đồng thời, yêu cầu cơ quan QLTT thường xuyên báo cáo về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão Yagi gây ra.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Sơ bộ cho thấy sau bão tại Quảng Ninh, tình hình nhu cầu mua sắm dự trữ hàng hóa thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với ngày trước đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm (mì tôm; rau, củ, quả; thịt lợn, bò; thủy sản tôm, cá; dầu ăn, bột canh...). Giá cả một số mặt hàng rau, củ, quả có xu hướng tăng từ 5%-10% so với ngày trước đó, tập trung tại các chợ, cửa hàng nhỏ. Giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định chưa có xu hướng tăng hay giảm so với ngày trước đó.
Tại Hải Phòng, sức mua của người dân giảm do chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, giá cả các mặt hàng ổn định, chưa xuất hiện tình trạng găm hàng, tăng giá.
Tại Nam Định, chịu ảnh hưởng của bão, gió to, mưa lớn, cây cối đổ nhiều và người dân đã chủ động mua hàng dự trữ từ trước đó. Hàng hoá được cung ứng đủ và không có hiện tượng tăng giá.