Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ sẽ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.
Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang đe dọa nghiêm trọng đến các ngành sản xuất, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xuất phát từ nguyên nhân lượng xe tồn kho cao, công suất thấp do không thể duy trì số lượng người lao động và sức mua trong nước sụt giảm mạnh.
Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021 mà có thể còn kéo dài sang các năm tiếp theo.
Do đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, kích cầu tiêu dùng, trên cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và qua những tác động tích cực của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ năm 2020 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP là rất phù hợp và cần thiết.
Đánh giá tác động của chính sách này, Bộ Tài chính cho biết, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như:
Kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản.
Tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.