Giải tỏa hàng nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách

Quang Anh | 10:20 10/10/2021

Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển.

Giải tỏa hàng nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách
Hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển là các trường hợp hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng.

Bộ Tài chính vừa có thông tư số 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển là các trường hợp hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng; Hàng nhập khẩu tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển; được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc; doanh nghiệp kinh doanh cảng biển có văn bản thông báo cho chi cục hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của cảng vụ hàng hải.

Để giải tỏa ùn tắc hàng hóa, Bộ Tài chính quy định rõ hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD (cảng nội địa) để lưu giữ; trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD; trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu; trách nhiệm của cơ quan hải quan; quyền và trách nhiệm của người khai hải quan...

Chi cục Hải quan quản lý cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi có trách nhiệm kiểm tra thông tin lô hàng có đáp ứng theo yêu cầu để quyết định phê duyệt kế hoạch vận chuyển hàng hóa theo đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển. Trường hợp quá 2 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được kế hoạch vận chuyển hàng hóa nhưng không có ý kiến phản hồi thì được coi là đồng ý kế hoạch vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan quản lý cảng biển, cảng cạn, ICD nơi hàng hóa vận chuyển đến và doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD về phương thức trao đổi thông tin kế hoạch vận chuyển hàng hóa đảm bảo nhanh chóng, kịp thời; quản lý, giám sát đối với từng lô hàng từ khi bắt đầu vận chuyển đi đến khi hoàn thành thủ tục xác nhận hàng hóa vận chuyển đến đích.

Chi cục Hải quan quản lý cảng biển phải theo dõi số lượng container hàng nhập khẩu tồn bãi để chủ động thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc dừng thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu về cảng biển khác, cảng cạn, ICD theo quy định.

Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển dừng thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu về cảng biển khác, cảng cạn, ICD theo quy định tại Thông tư này khi số lượng container hàng nhập khẩu tồn bãi giảm xuống ở mức 90% dung lượng quy hoạch chất xếp container hàng nhập khẩu của cảng biển.

Thông tư số 82/2021/TT-BTC cũng quy định Chi cục Hải quan quản lý cảng biển, cảng cạn, ICD nơi hàng hóa vận chuyển đến có trách nhiệm tiếp nhận kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được phê duyệt do DN kinh doanh cảng biển gửi đến; Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô hàng được vận chuyển đến lưu giữ tại cảng biển, cảng cạn, ICD theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp sau khi hàng hóa vận chuyển đến phát sinh tồn đọng thì giao Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố có liên quan xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7 /2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.


(0) Bình luận
Giải tỏa hàng nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO