Giai thoại kinh điển về cách tộc trưởng đưa Samsung dẫn đầu mảng chip nhớ: Để nhóm lãnh đạo chạy bộ tới nhà máy, viết cam kết sẽ thành công vào ngày đầu tiên hoạt động

Phương Linh | 14:28 19/04/2023

Tờ The Economist gọi đó là “sự gan góc” và “đạo đức làm việc” theo phong cách thượng võ của Samsung.

Giai thoại kinh điển về cách tộc trưởng đưa Samsung dẫn đầu mảng chip nhớ: Để nhóm lãnh đạo chạy bộ tới nhà máy, viết cam kết sẽ thành công vào ngày đầu tiên hoạt động

Có một câu chuyện kinh điển về việc Samsung tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chip silicon vào năm 1983 – thời điểm các nhà sản xuất Nhật Bản và Mỹ đã thống trị lĩnh vực này. Lee Byung-chul, người sáng lập Samsung Hàn Quốc, đã công bố chiến lược mới mà ông gọi một cách khoa trương là “Tuyên bố Tokyo”. Lee Byung-chul nói rằng mặc dù đất nước của ông thiếu nguyên liệu thô như dầu mỏ, nhưng bù lại có một lực lượng lao động được giáo dục tốt và cần cù, được trang bị tốt để chuyển sang sản xuất chip.

Như Geoffrey Cain kể lại trong cuốn sách “Samsung Rising” của mình, ngay sau đó, một số giám đốc điều hành của Samsung đã được cử đi hành quân xuyên qua các ngọn núi từ Seoul trong đêm để tăng cường sức mạnh cho họ trước thử thách. Họ đến nhà máy bán dẫn đầu tiên của Samsung, được xây dựng trong thời gian kỷ lục trong sáu tháng, và ký cam kết vào trước bữa sáng rằng sẽ giúp công việc kinh doanh của nhà máy thành công. Sau đó, không cần ngủ, họ bắt đầu làm việc 16 giờ một ngày.

Tờ The Economist gọi đó là “sự gan góc” và “đạo đức làm việc” theo phong cách thượng võ của Samsung. Bằng cách này hay cách khác, công ty đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường chip nhớ toàn cầu. Trong hơn 30 năm, Samsung đã dẫn đầu thế giới về mảng DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động), được sử dụng để lưu trữ bộ nhớ trong máy tính và máy chủ, và hơn 20 năm dẫn đầu trong mảng NAND, được sử dụng trong điện thoại di động.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021, chip nhớ đã đi đầu trong chu kỳ bùng nổ trong ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu bằng sự thiếu hụt, sau đó là sự gia tăng chi tiêu vốn và hiện rơi vào đợt sụt giảm tồi tệ nhất ít nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009. Kết quả là, Samsung Electronics, bao gồm các đơn vị bán dẫn, màn hình và thiết bị tiêu dùng của tập đoàn, đang cảm thấy “thấm đòn”. Vào ngày 7/4, ngoài việc đưa ra dự báo lợi nhuận quý đầu tiên ít ỏi, hãng cho biết sẽ cắt giảm sản xuất chip nhớ. Đây là một nỗ lực để giúp giảm tình trạng quá bão hòa trên thị trường.

Trong lĩnh vực kinh doanh chip nhớ, vị trí dẫn đầu của Samsung từ lâu đã luôn vô cùng vững chãi. Malcolm Penn của Future Horizons, một nhà dự báo ngành, cho biết qua những đợt suy thoái thường xuyên của thị trường, Samsung luôn là “người cuối cùng đứng vững”. Quy mô của công ty, với doanh thu năm ngoái là 240 tỷ USD, mang lại cho họ lợi thế kinh tế đáng kể để vượt qua sự sụt giảm giá lâu hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng, mặc dù không tăng trưởng nhanh như trước đây, nhưng đã tạo ra dòng tiền đáng tin cậy để giúp họ đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của chu kỳ chip. Khi những đối thủ khác gặp khó khăn, Samsung đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của họ. Điều đó đã giúp giảm bớt các đối thủ cạnh tranh lớn, từ gần một chục đối thủ trong những năm 2000 xuống chỉ còn hai đối thủ ngày nay gồm SK Hynix của Hàn Quốc và Micron của Mỹ. Samsung có một vị trí dẫn đầu khá thoải mái, với hơn 40% doanh số bán hàng toàn cầu.

Samsung từ lâu luôn sống sót tốt trước những tình huống khó khăn nhưng trong diễn biến mới nhất, họ đã phải “đầu hàng” và chấp nhận cắt giảm sản xuất. Việc này diễn ra vài tháng sau khi SK Hynix và Micron cho biết họ sẽ hạn chế sản lượng. Tuy nhiên, điều gây tò mò là những gì xảy ra sau đó. Giá cổ phiếu của Samsung, cũng như của hai đối thủ còn lại đều tăng vọt. Lời giải thích đơn giản cho sự phục hồi là bất cứ khi nào người dẫn đầu thị trường bỏ cuộc, đó là dấu hiệu cho thấy đáy của sự sụt giảm đã cận kề.

Tuy nhiên, cũng có một điều tế nhị khác đằng sau đó. Vị trí đứng đầu trong “bộ ba” vua chip nhớ của Samsung có thể thoải mái đến mức họ không muốn giành thêm công việc kinh doanh từ các đối thủ của mình. Điều đó có thể mang lại sự ổn định cho thị trường nhưng nó cũng báo hiệu rằng cảm giác tự mãn có thể khiến thành quả xưa kia của ông Lee “tan thành mây khói”.

Có thể nhìn thấy sự tự mãn đó trong một bài thuyết trình trước các nhà đầu tư vào tháng 11 năm ngoái. Han Jin-man, trưởng bộ phận kinh doanh chip nhớ, thừa nhận rằng chip nhớ đôi khi được coi là hàng hóa, giá của chúng dao động do chi tiêu vốn không ổn định. Nhưng ông nhấn mạnh rằng chi tiêu vốn đã ổn định trong thập kỷ qua, bộ ba ông lớn DRAM đang đầu tư hợp lý và thị trường hiện đã cân bằng hơn. Nói cách khác, Samsung dường như hài lòng với việc thúc đẩy sự tăng trưởng trong thị trường DRAM nói chung, dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần lên gần 300 tỷ USD vào năm 2035, thay vì chạy theo thị phần của các đối thủ cạnh tranh.

Sự tự hài lòng giống như vậy cũng được thể hiện ở các lĩnh vực khác. Pierre Ferragu của New Street Research, một công ty tư vấn, cho rằng Samsung đã đánh mất một số lợi thế sáng tạo trong công nghệ sản xuất DRAM và NAND vào tay Hynix và Micron. Anh nói: “Khi bạn không còn chiến đấu cho cuộc sống của mình nữa, bạn trở nên tự mãn. Tâm lý tương tự đã đánh bật Intel, nhà vô địch sản xuất chip của Mỹ, khỏi ngai vàng của mình vào cuối những năm 2010, khi hãng này bắt đầu mất dần vị thế trong mảng chip logic hàng đầu để xử lý dữ liệu vào tay TSMC và chính Samsung”.

Mục tiêu đã nêu của Samsung là trở thành số một trong lĩnh vực sản xuất bộ xử lý logic theo hợp đồng vào năm 2030 cũng không đi đúng hướng - tương tự như vậy vì những lý do quen thuộc như với Intel. Doanh số bán chip không phải bộ nhớ là thành phần có giá trị nhất của thị trường bán dẫn trị giá 575 tỷ USD trên thế giới. Chúng cũng quan trọng nhất về mặt chiến lược, khi nhiều chính phủ dồn sức cho việc sản xuất chip để phục vụ lợi ích an ninh quốc gia. Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng cụm bán dẫn lớn nhất thế giới ở Yongin, gần Seoul.

Điều này có thể không đủ để nâng thị phần sản xuất hợp đồng chip logic của Samsung lên trên 16%, mốc mà công ty vẫn bị mắc kẹt mặc dù ngang bằng với TSMC về năng lực sản xuất và có thể dẫn đầu về kiến ​​trúc chip.

Ông Ferragu thì không dự đoán Samsung sẽ để tuột mất vị trí hàng đầu về chip nhớ như những gì xảy ra với Intel với chip logic. Đây là nhà sản xuất DRAM đầu tiên đặt cược rất nhiều vào công nghệ cực tím, một kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Trong mảng chip logic và chip nhớ, họ đã cam kết chi tổng cộng 230 tỷ USD cho các nhà máy mới trong 20 năm tới. Ngoài ra, Samsung sẽ vẫn làm tốt việc khám phá lại tinh thần kinh doanh vốn có của mình, nếu không, họ có nguy cơ bị khuất phục. Cứ nhìn vào Intel là sẽ thấy rõ.

Nguồn: The Economist

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giai thoại kinh điển về cách tộc trưởng đưa Samsung dẫn đầu mảng chip nhớ: Để nhóm lãnh đạo chạy bộ tới nhà máy, viết cam kết sẽ thành công vào ngày đầu tiên hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO