Giải mã hiện tượng “Cú nảy con mèo chết” trong đầu tư chứng khoán

Phương Linh | 18:50 23/01/2023

Các nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn sẽ cố gắng kiếm lợi nhuận từ những "cú nảy" này.

Giải mã hiện tượng  “Cú nảy con mèo chết” trong đầu tư chứng khoán

Khái niệm

Cú nảy của con mèo chết (tạm dịch từ tiếng Anh "Dead cat bounce") là sự phục hồi tạm thời của giá cổ phiếu, thị trường, hàng hoá, nền kinh tế... trong một xu hướng giảm kéo dài. Đây là một sự phục hồi nhỏ, tạm thời trong một thời gian ngắn.

Thuật ngữ "Cú nảy con mèo chết" dựa trên quan điểm rằng, một con mèo rơi từ trên cao xuống sẽ nảy lên nếu như nó rơi ở một độ cao vừa đủ và tốc độ nhanh vừa đủ. Do đó, "cú nảy con mèo chết" còn được gọi là một sự hồi phục nhất thời.

Diễn giải

"Cú nảy con mèo chết" là một mô hình thường được sử dụng bởi các nhà phân tích kĩ thuật, bắt đầu bằng sự bật lên dẫn tới đảo chiều xu hướng giảm, nhưng sau đó nhanh chóng giảm giá trở lại và giá giảm xuống còn thấp hơn mức thấp trước đó.

Như vậy, các nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn sẽ cố gắng kiếm lợi nhuận từ những cú phục hồi nhỏ này. Trong khi đó, những người giao dịch theo trường phái đầu tư trung và dài hạn sẽ thường cố gắng bán ra ở các nhịp hồi phục này.

Ví dụ

Cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát đạt đỉnh vào ngày 28/10/2021 ở mức 43.900 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh) và ngay sau đó đã giảm mạnh xuống còn 30.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/01/2022.

Ở mức giá thấp này, HPG đã hồi phục lên 38.670 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 3 nhưng tiếp tục giảm về mức 20.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/6/2022. Như vậy, sau khoảng 5 tháng đạt đỉnh, HSG đã giảm gần 54%.

Cổ phiếu sau đó hồi phục đôi chút lên mức 24.550 đồng/cp vào tháng 8 song lại quay đầu giảm sâu xuống vùng đáy 12.100 đồng trong phiên 10/11/2022, tương ứng với mức giảm 72% giá trị trong hơn 1 năm.

Điểm đỏ là đỉnh của những "cú nảy con mèo chết", điểm xanh dương là điểm rơi của những "cú nảy"

Hạn chế

"Cú nảy con mèo chết" là mô hình giá chỉ được xác định khi thực tế đã xảy ra, khi mọi thứ đã muộn màng. Nhà đầu tư có thể dự báo đúng và bán ra chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trường hợp cổ phiếu thật sự bước vào xu hướng phục hồi và nhầm lẫn với "cú nảy con mèo chết" dẫn tới việc bán ra quá sớm hoặc cổ phiếu đầu tư dài hạn lại bán ngay tại vùng đáy. Do đó, việc xác định khi nào "cú nảy con mèo chết" hoặc sự phục hồi thật sự chưa bao giờ là đơn giản.


(0) Bình luận
Giải mã hiện tượng “Cú nảy con mèo chết” trong đầu tư chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO