Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ vừa tổ chức bán đấu giá 12 thửa thuộc khu Đồng Phươm (xã Tích Lộc) và 7 thửa tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) vào ngày 24/2.
Các lô đất có diện tích 68-196 m2, giá khởi điểm dao động 19,8-25 triệu đồng một m2.
Phiên đấu giá đã thu hút hơn 100 người tham gia. Sau hai giờ tổ chức, 19 lô đều được bán thành công. Trong đó, thửa đất có giá trúng cao nhất ký hiệu ĐG27 tại khu Dộc Tranh với mức trúng 46,8 triệu đồng mỗi m2. Các thửa đất khác có giá trúng dao động 23-41,2 triệu đồng một m2.
So với hai phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ vào tháng 8 và 9/2024, giá trúng cao nhất của phiên này đã giảm 22-37%. Trong đó, tại phiên đấu 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh ngày 16/9, mức trúng kỷ lục được ghi nhận là 75 triệu đồng mỗi m2.
Đầu tháng 3 tới đây, huyện Phúc Thọ dự kiến đấu giá tiếp 9 thửa đất tại khu Dộc Tranh với giá khởi điểm 23,4 triệu đồng một m2.
Thực tế cho thấy, đà giảm nhiệt của giá trúng đất đấu giá đã có dấu hiệu diễn ra từ những tháng cuối năm 2024.
Theo đó, tại phiên đấu giá 12 thửa đất tại huyện Phúc Thọ diễn ra vào giữa tháng 11/2024, mức trúng cao nhất cho thửa đất tại khu Dộc Tranh, huyện Phúc Thọ chỉ 37,6 triệu một m2, trong khi hai tháng trước, một số thửa tại đây lên đến 75 triệu đồng.
So với phiên đấu giá vào tháng 9/2024, lượng người tham đã giảm mạnh khi chỉ có 32 nhà đầu tư đăng ký với hơn 120 hồ sơ trong khi phiên đấu giá hôm 17/9 ở Phúc Thọ có trên 100 khách hàng tham dự.
Tại phiên đấu giá giữa tháng 11/2024, sức hút nhà đầu tư giảm cũng làm mức trúng đấu giá đất đi xuống. Cụ thể, 7 thửa đất khu Dộc Tranh đều bán thành công, nhưng giá trúng cao nhất chỉ 37,6 triệu đồng một m2. Mức trúng thấp nhất tại khu này là 28,8 triệu đồng một m2, tức chỉ cao hơn giá khởi điểm khoảng 20%.
Trong khi đó, cũng tại khu đất Dộc Tranh này tại buổi đấu giá hồi giữa tháng 9, thửa trúng cao nhất lên đến 75 triệu đồng một m2, gấp đôi phiên đấu giá vừa diễn ra.
Hoạt động đấu giá tại các huyện ven Hà Nội nóng trong năm 2024 khi chỉ 11 tháng đầu năm thành phố đã thu gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, đạt khoảng 74% kế hoạch và ước hoàn thành chỉ tiêu tính đến hết năm. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm).
Tuy nhiên, diễn biến của hoạt động đấu giá cũng bộc lộ nhiều bất thường, phổ biến là tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc. Hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Trong khi hệ lụy ảnh hưởng đến nhiều bên. Đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá không thu được chi phí, thậm chí tốn thêm khi phải tổ chức lại phiên đấu giá. UBND huyện cũng không thu được ngân sách như dự kiến.
Cuối năm 2024, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, địa phương chấn chỉnh đấu giá đất sau một số phiên gần đây lại có dấu hiệu thổi giá, gây nhiễu thị trường.