Các sản phẩm thép tại Nhật Bản đang rẻ hơn nước tính theo trọng lượng do giá giảm mạnh trước sự cạnh tranh gay gắt.
Theo Nikkei POS, giá trung bình của một chai nước khoáng 1 lít từ Suntory Beverage & Food là 156 yên (1,09 USD) vào tháng 3, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá phân phối đối với thép tấm cán nguội 1,6 mm tại khu vực Tokyo là khoảng 141.500 yên một tấn. Giá mỗi kg, tương đương trọng lượng với một lít nước, là khoảng 141,5 yên, tức là rẻ hơn nước gần 15 yên.
Tương tự, thép tấm cán nóng 1,6 mm có giá khoảng 117,5 yên/kg. Cả hai loại thép tấm đều rẻ hơn 4-6% so với năm ngoái.
“Sắt rẻ hơn nước” từng là câu nói phổ biến trong ngành thép. Với cơ sở sản xuất khổng lồ, các nhà sản xuất gặp phải cạnh tranh quá mức. Lợi nhuận thấp, doanh số cao đã trở thành thông lệ trong ngành.
Một bước ngoặt đến vào năm 2020, khi các nhà sản xuất lớn bắt đầu cải cách. Nippon Steel đã tạm dừng hoặc đóng cửa các lò cao trên khắp cả nước, giảm tổng số lò từ 15 xuống còn 10 tính đến tháng 3. JFE Steel đã đóng cửa một lò cao vào năm 2023.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp báo cáo, tính đến tháng 2, năng lực sản xuất thép thô hàng năm của Nhật Bản đạt tổng cộng 110 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2019. Những động thái này giúp kìm hãm tình trạng sản xuất quá mức. Giá thép đã vượt giá nước vào khoảng năm 2021.
Nhưng sau đó, giá thép lại giảm. Một yếu tố khiến giá thép giảm sâu là cuộc chiến giá cả giữa các nhà phân phối.
“Vì có ít đơn hàng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán với giá thấp”, giám đốc điều hành tại một công ty bán buôn thép ở thành phố Urayasu của tỉnh Chiba cho biết. Trong ngành xây dựng, tiến độ thi công đang chậm lại do thiếu hụt lao động. Nhu cầu về thép cũng ảm đạm trong ngành ô tô và các ngành sản xuất khác.
“Nhiều nhà phân phối phải cạnh tranh để giành được một lượng nhỏ đơn hàng”, giám đốc trên cho biết. “Họ muốn bán nhanh trước khi các công ty khác hạ giá và thị trường sụp đổ”.
Một nhân viên bán hàng tại công ty sản xuất thép cho biết “một số nhà phân phối ký hợp đồng với mức giá thấp hơn giá bán của nhà sản xuất, sau đó lại yêu cầu nhà sản xuất giảm giá”.
Hệ thống phân phối thép tại Nhật Bản ước tính có khoảng 1.400 đại lý được ủy quyền trên toàn quốc.
Số lượng nhà phân phối từ lâu đã được coi là một vấn đề. Trong bài phát biểu trước hiệp hội các nhà phân phối thép vào tháng 6/2024, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Nippon Steel, Eiji Hashimoto, cho biết “việc tái cấu trúc và cắt giảm số nhà phân phối là điều không thể tránh khỏi”.
Ngành công nghiệp thép cũng phải đối mặt với các mối đe dọa bên ngoài, bao gồm mức thuế bổ sung 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng nhập khẩu sản phẩm thép và ô tô. Thép Nhật Bản không chỉ được xuất khẩu nguyên trạng mà còn được chế biến trong nước cho ô tô và các sản phẩm công nghiệp để xuất khẩu.
Nhật Bản là nước sản xuất thép thô lớn thứ 3 thế giới, theo World Steel. Ước tính sản lượng thép thô hàng năm của Nhật Bản là 83 triệu tấn, trong đó có 34,4 triệu tấn xuất khẩu trực tiếp và 20 triệu tấn xuất khẩu gián tiếp, Atsushi Yamaguchi, chuyên gia phân tích cấp cao của SMBC Nikko Securities cho biết.
“Nếu thuế quan của ông Trump và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu tiếp tục, trong trường hợp xấu nhất, nhu cầu có thể giảm 4 triệu tấn mỗi năm, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp”, ông nói. Con số này tương đương với công suất của một lò cao lớn.
Tham khảo: Nikkei Asia